Tiềm năng địa phương

Lên núi hái chè cổ ở Mồ Sì San

Nằm ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, xã Mồ Sì San thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để giống chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi sinh trưởng, phát triển mang lại những giá trị riêng biệt hiếm nơi đâu có được. Hiện nay, UBND xã Mồ Sì San xác định đây là cây trồng có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân địa phương. Chính vì vậy công tác bảo tồn, phát triển thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ rất được chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm.
Mồ Sì San là một xã vùng cao của huyện Phong Thổ, nằm cách thành phố Lai Châu 80km, xã có 4 bản với 184 hộ, 2.459 nhân khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm trên 90%. Mồ Sì San được thiên nhiên ban tặng giống chè Shan tuyết tồn tại rất lâu đời mà ít địa phương nào có được và đây cũng được đánh giá là vùng chè cổ thụ lớn nhất của tỉnh. Chè cổ thụ được mọc tự nhiên ở độ cao trên 2.400 m so với mực nươc biển và cách trung tâm xã 15km. Chè Shan tuyết ở Mồ Sì San phát triển trong điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng tạo nên hương vị, màu sắc riêng có.

Là báu vật của đồng bào người Dao ở Lai Châu, búp chè Shan tuyết luôn có một lớp lông mịn và dày, khi sao khô chuyển sang màu trắng như có lớp tuyết phủ. Trước đây, bà con thường chặt hoặc bẻ cả cành to về lấy búp khiến sản lượng chè không nhiều mà còn có hại cho cây. Nay bà con đã và đang học cách hái chè, học cả cách bảo tồn những cây chè cổ thụ.



Hàng ngày, người dân phải dậy từ sáng sớm chuẩn bị cơm nắm, cơm đùm, sau đó băng qua những cánh rừng nứa,
rừng tre, rừng cây cổ thụ, những con dốc dài và cao trên độ cao để hái được những lá chè. Ảnh:
Việt Cường/VNP


Chè cổ thụ được mọc tự nhiên ở độ cao trên 2.400 m so với mực nước biển và cách trung tâm xã Mồ Sì San chừng 15km. Ảnh: Nguyễn Luân/ VNP



Để hái được những búp chè theo tiêu chuẩn, người hái chè phải chèo lên những ngọn cây chè cao cả chục mét. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP



Mồ Sì San được thiên nhiên ban tặng giống chè Shan tuyết tồn tại rất lâu đời
ít địa phương nào có được và đây cũng được đánh giá là vùng chè cổ thụ lớn nhất của tỉnh Lai Châu. Ảnh:
Việt Cường/VNP


Chè Shan tuyết ở Mồ Sì San phát triển trong điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng tạo nên hương vị, màu sắc riêng có. Ảnh:
Việt Cường/VNP


Mỗi ngày, một người đi hái chè ở Mồ Sì San chỉ hái được khoảng 4kg lá tươi. Ảnh:
Việt Cường/VNP


Những búp chè 2 tôm, 1 tép sẽ tạo nên hương vị chè tuyệt hảo. Ảnh:
Việt Cường/VNP

Theo thống kê của UBND huyện Phong Thổ, hiện tại vùng chè cổ xã Mồ Sì San có 1.700 cây chè cổ thụ được mọc phân tán trong rừng sâu. Do đó để hái được những búp chè Shan tuyết cổ thụ là một điều vô cùng khó khăn. Để thu hái được những lá chè người hái chè phải trải qua nhiều hành trình gian nan. Hàng ngày người dân phải dậy từ sáng sớm chuẩn bị cơm nắm, cơm đùm, sau đó băng qua những cánh rừng nứa, rừng tre, rừng cây cổ thụ, những con dốc dài và cao trên độ cao. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ leo núi người dân mới có thể tiếp cận được với những cây chè.

Ông Chẻo Phủ Duyên – Chủ tịch HTX Biên Cương (xã Mồ Sì San) cho biết, thời gian trước do diện tích chè Shan tuyết tự nhiên của xã phân tán, không được chăm sóc, bảo vệ nên năng suất thấp, sản lượng thu hái chè búp tươi thấp, mỗi năm đạt khoảng 4 - 4,5 tấn. Sau khi thu hái, bà con không chế biến mà bán cho thương lái với giá khá thấp. Trước tình hình đó, sự ra đời của HTX chế biến Chè cổ thụ Biên Cương (HTX Biên Cương) được ra đời.

Từ đó, chất lượng chè búp tươi đầu vào được kiểm soát chặt chẽ cùng với hệ thống máy móc, dây chuyền chế biến đã tạo ra đa dạng sản phẩm trà, giá bán lên tới hàng triệu đồng/kg chè khô. Trong đó, trà xanh có giá dao động 2,5 triệu đồng/kg; hồng trà, hoàng trà giá 3triệu đồng/kg. Đặc biệt, sản phẩm bạch trà có giá lên đến cả chục triệu đồng/kg bởi quá trình thu hoạch và chế biến đòi hỏi sự tỉ mỉ, thời gian chế biến công phu hơn các loại trà khác.

HTX tổ chức cho nhân dân đăng ký thu hái chè cổ thụ trên rừng. Hộ gia đình nào đăng ký đầy đủ, sản phẩm chè búp tươi đúng 1 tôm 1 lá, 1 tôm 2 lá, không dập nát, không ôi, HTX mua với giá ổn định.

Các sản phẩm của HTX đang 
được người tiêu dùng yêu thích và lựa chọn gồm có bạch trà, trà xanh, hồng trà và hoàng trà. Điều quan trọng các loại chè mọc và sản xuất tự nhiên trên rừng, quanh năm sương mù bao phủ nên có hương vị đặc trưng riêng của mảnh đất Mồ Sì San.


Sau khi chè được hái về sẽ được tập trung phơi tại HTX Biên Cương để chế biến. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP


Những lá chè tươi được sao trong máy. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP



Công đoạn làm ra chè Shan tuyết ở Mồ Sì San. Ảnh: Nguyễn Luân/VNP


Búp chè Shan tuyết luôn có một lớp lông mịn và dày, khi sao khô chuyển sang màu trắng như có lớp tuyết phủ.
Việt Cường/VNP


Sản phẩm bạch trà của HTX Biên Cương. Ảnh:
Việt Cường/VNP


Sản phẩm hoàng trà của HTX Biên Cương. Ảnh: Việt Cường/VNP

Đến nay, giá trị cây chè Shan tuyết cổ thụ trên đất Mồ Sì San bước đầu được khẳng định. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, UBND xã Mồ Sì San sẽ tích cực phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện Phong Thổ và dưới sự giúp đỡ của tỉnh để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo tồn và phát triển vùng chè theo hướng an toàn và bền vững, quản lý, bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa chè cổ thụ gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn./.
 
Bài, ảnh: Việt Cường – Nguyễn Luân


Top