Văn hóa

Lễ cúng sức khỏe cho voi

Với người Mnông, Ê Đê sinh sống ở tỉnh Đắk Lắk, voi không chỉ là tài sản quý giá của gia đình mà còn được xem là người bạn, là thành viên trong gia đình. Vì vậy mà hàng năm, những gia đình có voi thường tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Lễ cúng độc đáo này không chỉ mang yếu tố tâm linh mà nhắc nhở nhau phải trân trọng, chăm sóc, bảo vệ voi.
Ông Đàm Năng Long, sinh sống tại huyện Lắk chia sẻ: “Người Mnông quý voi như bạn nên năm nào cũng tổ chức cúng sức khỏe cho voi. Những năm qua, đàn voi nhà ở Tây Nguyên giảm hẳn, việc chăm sóc sức khỏe cho voi càng được chú trọng hơn”. Tùy theo từng dân tộc, điều kiện kinh tế của gia đình chủ voi sẽ có những cách cúng khác nhau, lễ vật khác nhau. Tuy nhiên, tất cả mang ý nghĩa cầu sức khỏe cho voi, để voi đỡ đần, gánh vác những phần việc nặng nhọc cho con người. Đồng thời nhắc nhở con người phải biết trân quý, chăm sóc loài voi.

Lễ cúng sức khỏe cho voi thường có những vật phẩm quen thuộc như: rượu cần, đầu heo, bộ lòng heo, bắp tươi, hoa tươi, chuối, một ít gạo, cá khô và thân cây chuối và mía để tặng thưởng cho voi.


Thầy cúng dẫn đầu đoàn rước tiến hành nghi thức bắt đầu lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Trịnh Bộ 


Thầy cúng làm phép cho những chiến binh (giờ là nài voi). Ảnh: Trịnh Bộ 


Thầy cúng thực hiện nghi thức cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Trịnh Bộ


Những chú voi quây quần bên cây nêu chuẩn bị làm lễ. Ảnh: Trịnh Bộ 



Sau nghi thức cúng sức khỏe, buôn làng mở tiệc hoa quả thưởng cho những chú voi. Ảnh: Công Đạt


Những nài voi chuyển nhau vật tế để thực hiện nghi thức cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Tất Sơn

Tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, nơi có đàn voi nhà lớn nhất nước đang sinh sống, người dân thường tổ chức cúng sức khỏe tập thể cho voi. Thầy cúng được mời phải là thầy cúng giỏi, có uy tín và am hiểu tập tục của dân tộc. Thầy cúng cùng với các nài voi trong buôn đến nhà chủ voi chuẩn bị lễ vật, cùng ăn và uống rượu với gia đình. Nhiều làng sang trọng còn làm trâu ăn mừng cho lễ cúng sức khỏe tập thể cho đàn voi.

Lễ cúng sức khỏe cho voi thường diễn ra vào dịp cuối hoặc đầu năm âm lịch. Lễ cúng với ý nghĩa chính là cầu sức khỏe cho voi, nhắc nhở mọi người chăm sóc, bảo vệ voi và chứa đựng yếu tố văn hóa, tâm linh của mỗi dân tộc./.

 
Bài và ảnh: Tất Sơn - Trịnh Bộ - Công Đạt

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

Trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hơn 35 năm qua, Nhà giàn DK1 vẫn luôn đứng đó, sừng sững, hiên ngang như một “pháo đài thép”. Giữa sóng gió trùng khơi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫn luôn nắm chắc tay súng, vững chân sóng giữ cho lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay, khẳng định đanh thép chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Top