Rong ruổi qua các làng nghề truyền thống, qua những tháp Chăm cổ in dấu nghìn năm, cả những làng võ cổ truyền trên quê hương Tây Sơn - Nguyễn Huệ, chúng tôi trở lại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, để khám phá làng chài Hải Minh - một làng chài nhỏ, bình yên và đẹp diệu kỳ khi chiều buông xuống.
Làng chài Hải Minh nằm trên bán đảo Phương Mai thuộc khu vực 9, phường Hải Cảng, cách bến Hàm Tử gần trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 15 phút đi đò máy. Khi chúng tôi vừa tới bến Hàm Tử với lỉnh kỉnh ba lô, máy ảnh thì phía dưới ba, bốn chủ đò mà chúng tôi tưởng là ngư dân đã thi nhau mời chào: “Các cậu thuê nguyên chiếc chỉ 30.000đ/lượt thôi!”. Hỏi ra mới biết, thay vì không phải đợi đủ 6 người (5.000đ/người) cho một chuyến đò thì chúng tôi chỉ cần trả đủ 30.000đ thì đò cũng sẽ xuất bến liền dù với 2 người.
Đò nổ máy, thẳng tiến về phía làng chài nhỏ, nằm ẩn hiện phía sau những chiếc thuyền đánh cá đang neo đậu. Chủ đò Phạm Văn Cảnh còn được gọi là đò Cảnh, nhà ở làng chài Hải Minh sau mấy câu chào xã giao cho chúng tôi biết: “Làng chài Hải Minh có hai khu vực là Hải Minh Trong và Hải Minh Ngoài. Hải Minh Ngoài chính là địa phận tập trung phần lớn người dân làng chài, ngoài việc đi biển, người dân ở đây còn nuôi thêm cá lồng”...
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đặt chân xuống làng chài Hải Minh. Khung cảnh hiện ra là một ngôi làng có khoảng hơn 100 nóc nhà san sát, hầu hết đều rất kiên cố để có thể chịu đựng được những cơn bão bất thường. Ba mặt của Hải Minh được bao bọc bởi núi làm địa thế của làng chài như một thung lũng giáp biển. Vì được giới thiệu trước và cũng được nhìn từ phía thành phố Quy Nhơn nên chúng tôi hướng ngay tầm mắt về phía trái làng chài - trên một ngọn đồi chừng 100m, tượng đài vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (cao 30m) đang đứng sừng sững, uy nghi với một tay chỉ ra biển. Tượng đài này được xây dựng từ những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, bốn mặt của chân tượng đều trang trí phù điêu về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả bài “Hịch tướng sĩ” hùng tráng thuở nào.
Theo một con đường mòn nhỏ bao quanh núi, chúng tôi đã có mặt trên đỉnh và đứng ngay dưới chân tượng đài. Làng chài Hải Minh lúc này hiện ra toàn cảnh bằng vẻ đẹp đặc trưng mà kỳ vĩ khi ở thế dựa vào núi với hàng trăm chiếc thuyền lớn, nhỏ neo đậu. Rồi mở ra trước mặt làng chài còn là một khoảng biển mênh mông - đầm Thị Nại, vốn là vị trí chiến lược trong hệ thống phòng ngự quân sự của các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây. Theo cứ liệu lịch sử, dưới thời Tây Sơn (1788 - 1802), chính làng chài Hải Minh là vùng đất từng dựng nhiều hệ thống đồn lũy, pháo đài án ngữ ngay cửa biển Thị Nại và nhiều súng thần công ngăn không cho thuyền nhà Nguyễn từ ngoài biển tiến vào. Ngày nay ở khu vực này vẫn còn vài dấu tích đồn lũy bằng đá, pháo đài…
Tiếp tục đi lên một cầu thang nhỏ, thẳng đứng ở phía tây tượng đài sẽ gặp phần bệ tượng. Từ đây, quanh chúng tôi là bốn bề lộng gió với không gian hoàn toàn chỉ còn trời và biển. Xa xa, về phía đông, đảo Cù Lao Xanh như một dấu nhấn giữa biển khơi xanh ngắt một màu. Quay đầu lại, Quy Nhơn như một dải lụa êm đềm nằm vắt ngang, lẫn trong màu xanh của trời nước.
Cuộc sống của ngư dân làng chài Hải Minh gắn chặt với biển và làm giàu từ biển.
Kè đê để chống sạt lở.
Đội tàu đánh cá đèn của làng chài Hải Minh. |
Sữa chữa tàu cá bị hỏng. |
Chuẩn bị lấy dầu đi biển. |
Sửa lưới đánh cá. |
Niềm vui của ngư dân làng chài Hải Minh sau một chuyến đi biển. |
Trẻ con nô đùa ở bãi đất trống phía bờ biển, những "mầm xanh" của làng chài nhỏ bé yên bình Hải Minh. |
Chúng tôi trở lại làng chài Hải Minh khi hoàng hôn buông xuống. Hầu hết người dân làng chài lúc này đều có mặt ngay bên bờ biển với nhiều hoạt động thường nhật. Anh Nguyễn Ngay (44 tuổi), một ngư dân vừa trở về sau một đêm câu cá ngừ ở ngoài Cù Lao Xanh kể: “Một tháng tôi đi khoảng 7-10 ngày nếu biển không động. Thường thì tôi bắt đầu đi từ 3h sáng cho đến đầu giờ chiều thì trở về. Có hôm trúng bán được 3-4 triệu đồng, còn bình thường cũng được vài trăm ngàn, việc trang trải cuộc sống cũng tạm đủ”. Cách thuyền cá của anh Ngay không xa, hàng chục ngư dân đang lấp đá để xây lại kè biển cho chắc chắn hơn, thuận lợi cho việc neo đậu của tàu thuyền và tránh sạt lở; một nhóm người cũng đang hì hục sửa chữa lại chiếc thuyền nhỏ của mình, hay vá lại những tấm lưới cho buổi đánh cá hôm sau.
Càng về chiều, ánh mặt trời chiếu xiên trên mặt nước càng làm lấp lánh cả một vùng biển rộng lớn. Cảnh vật làng chài Hải Minh bỗng trở nên đẹp lạ thường mà vẫn bình dị, dường như để xóa đi những lo toan, vất vả trong cuộc sống của người dân miền biển này./.