Tiềm năng địa phương

Khóm Cầu Đúc

Từ bao đời nay, trên vùng đất nhiễm mặn, nhiễm phèn, người dân hai xã Hỏa Tiến và Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang gắn bó với cây khóm (dứa), để đến hôm nay, thương hiệu khóm Cầu Đúc đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước.
Khóm Cầu Đúc được xem là loại cây có giá trị kinh tế cao nhất trong số ba mặt hàng đặc sản của tỉnh Hậu Giang cùng với tràm và mía. Đây là thương hiệu không chỉ nổi tiếng ở thị trường nội địa mà đã xuất ngoại sang tận Nga và các nước Đông Âu.
Cây khóm đã bén rễ trên những cánh đồng phèn, mặn ở Hỏa Tiến, Tân Tiến từ những năm đầu thập niên 30 của thế kỉ trước. Cái tên “khóm Cầu Đúc” được hình thành do bà con trồng khóm thường mang khóm ra bán ở cây cầu đúc bằng xi măng bắc ngang sông Cái Lớn thuộc xã Hỏa Tiến. Hiện tỉnh Hậu Giang có gần 1.500ha đất chuyên canh khóm thì riêng hai xã Hỏa Tiến và Tân Tiến, diện tích trồng khóm đã chiếm trên 1.000ha. Do điều kiện thổ nhưỡng thích hợp nên khóm ở đây cho trái to, vị ngọt thanh. Năm 2006, khóm Cầu Đúc đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang”.
 

Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng), có nguồn gốc từ Thái Lan nên cho trái to, vỏ vàng đẹp và có vị ngọt thanh.

Mùa thu hoạch khóm thường diễn ra vào khoảng cuối tháng hai, đầu tháng ba âm lịch.

Khóm Cầu Đúc đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa “Khóm Cầu Đúc Hậu Giang”.

Khóm thu hoạch ở ruộng được chuyển xuống ghe để đem đi bán.

Đến mùa thu hoạch, thương lái khắp nơi tìm về Cầu Đúc thu mua khóm.

Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ hoàng), có nguồn gốc từ Thái Lan. Đặc trưng của giống khóm này là trái có hình dáng đẹp, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu, thịt màu vàng đậm, ít xơ, ít nước. Chiều cao trung bình của cây khóm Cầu Đúc khoảng trên dưới 1 mét, trọng lượng trái khoảng 1,5 - 2kg, năng suất trung bình 20 tấn/ha, riêng trái khóm có thể để khoảng 10-15 ngày vẫn không bị hỏng.
Ở Hỏa Tiến và Tân Tiến, không ít hộ dân nhờ trồng khóm mà có cuộc sống đầy đủ, sung túc. Điển hình như trường hợp ông Dương Văn Thanh (Bảy Thanh), người được mệnh danh là “vua khóm Cầu Đúc”, nhờ bỏ công khai phá vùng đất phèn, mặn từ hồi mới giải phóng (sau 1975) nên đến nay ông đã có trong tay gần 200ha khóm. Ông Bảy Thanh tâm sự: “Khi khai hoang, vùng đất này chằng chịt gốc tràm và rễ cây dại. Đất rừng hoang hóa lâu năm bị nhiễm phèn nặng nên phải đào kênh, đắp bờ, rửa chua, ém phèn... cực nhọc vô kể mới tạo ra được những luống dứa xanh mỡ màng như bây giờ”. Hiện nay, tính cả dứa thu hoạch ở trang trại và dứa thu mua, mỗi năm ông Bảy Thanh bán cho các nhà máy hơn 20.000 tấn dứa, trừ các khoản chi phí khoảng 2 tỉ đồng, ông vẫn còn thu lãi hơn 1 tỉ. Không những thế, “vua khóm Cầu Đúc” còn giải quyết việc làm cho hơn 60 lao động là con em các gia đình liệt sĩ, thương binh, dân nghèo trong vùng.
 

Tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 1.500ha đất chuyên canh khóm.

Những luống khóm thẳng tắp trên mặt ruộng và có đánh số theo dõi.

Chiều cao của cây khóm khoảng trên 1 mét, trọng lượng trái khoảng 1,5-2kg.

Giữa các luống khóm là những mương nước, ghe thuyền nhỏ có thể đi lại được nên rất thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch.

Khóm hái ở ruộng được chở thẳng vào bờ bằng ghe.

Một quầy bán khóm ở Cầu Đúc.

Khóm Cầu Đúc xuất ra thị trường được chế biến thành nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế như: nước khóm ép, khóm sấy khô không tẩm đường, kẹo, mứt, rượu, nước giải khát có ga… Ngay đến lá khóm tưởng là thứ vứt đi nay cũng được dùng để chế biến thành sợi, bột giấy; còn bã khóm thì làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc.
Với người dân, trái khóm còn là nguyên liệu để chế biến thành nhiều món ăn ngon đậm đà hương vị đồng quê như: canh chua khóm nấu với cá rô đồng, thịt ba rọi xào khóm chua ngọt, hay khóm kho với cá trê, cá he, cá mè vinh…/.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Hữu Thành

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Hữu Thành


Top