Nghề Việt

Hồng sấy gió Đà Lạt

Hằng năm, cứ khoảng tháng 10 dương lịch trở đi, những vườn hồng ở Đà Lạt lại vào vụ chín đỏ rực, đẹp như hàng nghìn, hàng vạn chiếc đèn lồng bé xíu thắp lửa trước gió. Và đây cũng là dịp nhiều gia đình ở phố núi nhộn nhịp vào vụ làm hồng treo gió, một đặc sản nổi tiếng của Đà Lạt.
Hồng Đà Lạt là loại quả tròn, khi chín có màu vàng đỏ, ăn giòn, vị ngọt thanh. Đây là loại cây ôn đới, thích khí hậu mát mẻ nên có mặt ở Đà Lạt đã khá lâu, có người còn cho rằng chúng được người Pháp đưa vào trồng từ hồi đầu thế kỉ 20.

Trước đây, hồng chủ yếu được trồng xen canh với các loại cây khác, hoặc để làm cảnh. Mùa hồng chín thường kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12, nhưng chín rộ thì vào khoảng tháng 10-11, mỗi cây cho từ 1 đến 2 tạ quả tươi. Về sau, người dân Đà Lạt thấy giống cây này dễ trồng, trái nhiều lại thơm ngon nên đã trồng nhiều hơn, chủ yếu để lấy trái ăn tươi hoặc làm mứt, có lúc chín nhiều quá để rụng chứ cũng chẳng biết làm gì.

Phải đến năm 2017, nhờ có sự hỗ trợ của tổ chức JICA và các chuyên gia Nhật Bản, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt mới tổ chức được các khóa tập huấn làm hồng sấy gió theo công nghệ Nhật Bản cho người dân.



Giống hồng Đà Lạt quả to, vị ngọt nên được dùng để chế biến đặc sản hồng treo gió. Ảnh: Thanh Hòa


Hồng Đà Lạt thường chín rộ vào khoảng tháng 10 đến tháng 11, đây là thời điểm thích hợp để thu hoạch làm đặc sản hồng treo gió. Ảnh: Thanh Hòa


Hồng tươi vừa thu hoạch để làm đặc sản hồng treo gió. Ảnh: Thanh Hòa


Sơ chế gọt sạch vỏ hồng tươi trước khi đem treo gió. Ảnh: Thanh Hòa


Các quy trình sơ chế hồng được làm tuần tự. Ảnh: Trần Thanh Giang


Hồng sau khi được sơ chế gọt vỏ được đưa vào khay để chuyển đi sấy. Ảnh: Trần Thanh Giang


Hồng được treo ở nơi thoáng mát để có được chất lượng tốt nhất. Ảnh: Trần Thanh Giang


Du khách thưởng thức đặc sản hồng treo gió Đà Lạt. Ảnh: Trần Thanh Giang


Du khách chụp ảnh bên vườn hồng chín mọng. Ảnh: Trần Thanh Giang

Sau vài đợt sản xuất thử nghiệm thành công, nhận thấy hồng treo gió là sản phẩm chất lượng, có hiệu quả kinh tế cao nên một số hợp tác xã và người dân bắt đầu xây dựng thương hiệu sản phẩm hồng treo gió thông tin, địa chỉ, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để sản phẩm hồng treo gió trở thành đặc sản, Đà Lạt đã phát triển một số vùng chuyên trồng và chế biến sản phẩm hồng treo gió như ở đường Khe Sanh, đường Triệu Việt Vương, Trại Mát, khu vực chân đèo Mimosa, xã Xuân Trường của Tp. Đà lạt, xa hơn một chút thì có thị trấn D’ran ở huyện Đơn Dương…


Một số địa chỉ sản xuất và kinh doanh hồng treo gió nổi tiếng ở Đà Lạt:
- Cơ sở vườn hồng Lễ Vân, 45 Khe Sanh, Đà Lạt
- Cơ sở hồng sấy gió Trạm Hành, 007/1 Trạm Hành 1, xã Trạm Hành, Đà Lạt
- HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đất Làng Cầu Đất, thôn Đất Làng, xã Xuân Trường, Đà Lạt
- Chuỗi siêu thị đặc sản Đà Lạt L'angfarm Store với trên 30 cửa hàng tại Tp. Đà Lạt, Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu
Hồng ở đây được trồng tự nhiên, không sử dụng thuốc trừ sâu, khi quả chín thì thu hoạch rồi rửa sạch, gọt vỏ, đưa vào phòng vô khuẩn, cuối cùng là đem quả hồng ra treo trong nhà kính. Quả được treo bằng dây, cách nhau khoảng 20-25cm, để làn gió tự nhiên sấy khô dần. Treo khoảng 20 đến 25 ngày thì quả sẽ quắt lại do mất nước nhưng vẫn giữ lại được hương thơm và lượng đường tự nhiên ở bên trong. Gặp lúc thời tiết đẹp thì khoảng 6kg quả tươi sẽ làm được 1kg quả khô. Khi quả hồng đã khô đạt yêu cầu người ta sẽ đóng gói hút chân không, gắn nhãn mác và đưa đi tiêu thụ. Hồng treo gió nếu làm đúng kĩ thuật sẽ có màu cánh gián đẹp mắt, để lâu đường lên men tự nhiên tạo thành lớp phấn trắng bên ngoài, cho hương vị thơm ngon hơn hẳn so với lúc mới thành phẩm.

Hồng treo gió ăn dẻo, có vị ngọt dịu, hương thơm tự nhiên do không sử dụng chất bảo quản, giá dao động từ 350 đến 500 nghìn đồng/kg tùy loại. Sản phẩm có thể để lâu được tới 1 năm nếu bảo quản đúng cách. Thị trường tiêu thụ chính là Tp. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng… Thời điểm Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ lớn nên thường cung không đủ cầu.

Ngày nay, nếu đến Đà Lạt đúng vào vụ hồng chín, tức khoảng tháng 10 đến tháng 11, du khách có thể đến các địa chỉ làm nghề sản xuất hồng treo gió để tìm mua loại đặc sản này để làm quà, ngoài ra còn có cơ hội được tham quan các khu vườn hồng chín đỏ rực nằm cheo leo tuyệt đẹp bên các sườn đồi, cũng như khám phá cách người dân Đà Lạt đã dày công làm nên thứ đặc sản trứ danh này./.

 
Bài: Thanh Hòa 
Ảnh: Trần Thanh Giang, Thanh Hòa

Làng cá chép Thủy Trầm vào vụ tết

Làng cá chép Thủy Trầm vào vụ tết

Cứ đến Tết ông Công ông Táo cận kề, người dân làng Thủy Trầm (xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) lại hối hả thu hoạch, cung cấp nguồn cá chép phóng sinh cho người dân khắp mọi miền đất nước.

Top