Văn hóa

Hồi sinh rừng ngập mặn

Việt Nam có một hệ sinh thái rừng ngập mặn rất phong phú và đa dạng nhưng từng bị tàn phá nặng nề. Những năm qua, nhờ có chiến lược phục hồi hợp lí nên nhiều cánh rừng ngập mặn đã phục hồi tốt không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế lớn mà còn được ví như những “bức tường xanh” vững chắc trước sức tàn phá của thiên nhiên và đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng.

Nơi màu xanh trở lại
Theo đánh giá của các nhà khoa học trên thế giới, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng. Là quốc gia có đường bờ biển dài lại có hệ thống rừng ngập mặn phong phú nên rừng ngập mặn không chỉ có vai trò lớn trong việc đảm bảo sinh kế của con người mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo môi sinh, giảm thiểu tác hại của thiên nhiên, khắc phục hiện tượng nước biển dâng…

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 1943 Việt Nam có trên 400 nghìn ha diện tích rừng ngập mặn. Tuy nhiên, trải qua hơn 6 thập niên bị tàn phá do chiến tranh cộng với việc khai thác quá mức, đến năm 2006, Việt Nam chỉ còn khoảng trên 155 nghìn ha diện tích rừng ngập mặn.


Một góc “bức tường xanh” ở cửa biển Ba Lạt thuộc VQG Xuân Thủy, Nam Định. (Ảnh: Việt Cường)

Rừng ngập mặn tại Đất Mũi, nơi cực Nam Tổ quốc thuộc Khu Dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau. (Ảnh: Lê Minh)


 Khỉ và cá sấu bán hoang dã tại rừng phòng hộ Cần Giờ. (Ảnh: Lê Minh)

Một góc rừng tái sinh tự nhiên ở VQG Xuân Thủy. (Ảnh: Việt Cường)

Cộng đồng tham gia trồng rừng ngập mặn ở Cần Giờ. (Ảnh: Lê Minh)

 Cán bộ kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ. (Ảnh: Lê Minh)

«...
          Theo đánh giá của các chuyên gia, một khu rừng ngập mặn có chiều rộng 100m có thể làm giảm 50% chiều cao của sóng triều và giảm 50% năng lượng của sóng, đồng thời có thể làm giảm nhẹ hoặc tiêu tan các đợt sóng thần cao 15m.

Thực tế cho thấy, sự suy thoái của nhiều khu rừng ngập mặn đang là vấn đề đáng báo động ở Việt Nam. Ví dụ như ở khu vực phía Bắc, Vườn Quốc gia Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) có diện tích tự nhiên hơn 7 nghìn ha, nhưng những năm 90 của thế kỉ trước, việc quy hoạch 30% diện tích rừng ngập mặn vào việc quảng canh nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế đã khiến diện tích rừng ở đây giảm mạnh. Còn ở miền Nam, rừng ngập mặn Cần Giờ, còn gọi là Rừng Sác (huyện Cần Giờ, Tp. Hồ Chí Minh), hầu như cũng bị hủy diệt hoàn toàn, trở thành một “sa mạc mặn” do chất độc da cam của Mỹ trong chiến tranh, đến nỗi chính các nhà khoa học Mỹ cũng phải cho rằng, cần 100 năm nữa “sa mạc” này mới có thể hồi phục lại như ban đầu. Trước thực tế đó, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, trong đó có vấn đề trọng tâm là khôi phục và phát triển rừng ngập mặn ven biển.

Tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), một khu rừng ngập mặn thuộc Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là rừng ngập mặn đầu tiên ở Việt Nam được quốc tế công nhận theo công ước Ramsar, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự hồi sinh mạnh mẽ của những cánh rừng ngập mặn nơi cửa sông Ba Lạt. Nhờ có Chương trình 327 (chương trình quốc gia về bảo vệ, khôi phục rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) và việc thành lập Khu Bảo tồn Thiên nhiên Đất ngập nước Xuân Thuỷ, cùng với sự tài trợ tích cực từ Dự án phục hồi rừng ngập mặn của Hội chữ thập đỏ Đan Mạch từ năm 1997, Xuân Thủy đã trồng mới thành công trên 1.500ha rừng ngập mặn. Đến nay, những cánh rừng này đã bắt đầu hồi phục xanh tốt. Nhờ đó mà người dân địa phương đã bớt đi nỗi lo thảm hoạ vỡ đê biển nhờ có “bức tường xanh” đang hàng ngày vững vàng chắn sóng.

Ông Lê Viết Cách, Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy cho biết: “Song song với việc phục hồi rừng ngập mặn, Chính quyền địa phương và Ban Quản lí Vườn Quốc gia Xuân Thủy còn rất chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho cộng đồng bằng nhiều hình thức phong phú khác nhau. Các hoạt động tích cực này đã giúp người dân biết cách gìn giữ và khai thác một cách bền vững nguồn tài nguyên đất ngập nước quý giá ở vùng cửa sông ven biển”.

Ở miền Nam, ngay từ năm 1978, tức chưa đầy 3 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), Tp. Hồ Chí Minh đã thành lập Lâm trường Duyên Hải với quyết tâm khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Sau 34 năm, hàng triệu triệu cây mắm, cây đước ở Cần Giờ đã lớn lên, phát triển thành những cánh rừng xanh trải dài như vô tận.

Mất hơn một giờ chạy canô, chúng tôi đến Phân khu III thuộc Ban Quản lí rừng phòng hộ Cần Giờ, đúng lúc Ban Quản lí Phân khu đang có cuộc họp hàng tháng với các hộ dân về công tác bảo vệ rừng. Ông Phan Văn Hưng, 57 tuổi, ở ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, một trong 10 hộ dân đầu tiên tham gia chương trình thí điểm nhận khoán trồng và giữ rừng Cần Giờ từ năm 1991, kể lại: “Năm 1991, tôi và bà con ở đây còn phải ăn rau rừng, sống chung với muỗi mòng và chim, thú... để trồng rừng. Sau hơn 20 năm, chúng tôi đã có một thảm rừng xanh trải dài như vậy đó”.

Cái thảm rừng xanh trải dài mà ông Hưng nhắc tới ấy chính là hơn 37 nghìn ha rừng ngập mặn Cần Giờ đang hiện lên ngút ngàn trước mắt chúng tôi. Từ trên chòi cao nhìn về hướng Đông, biển đã lùi xa nhường chỗ cho màu xanh mơn mởn của những thảm cây đước, cây mắm vững chãi vươn dần ra đối đầu với sóng biển.

Bảo tồn và phát triển bền vững rừng ngập mặn
Tháng 2/2012, Chính phủ ra quyết định về việc thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lí, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng, trong đó có rừng ngập mặn. Với quyết định này, người dân được quyền khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên và nuôi trồng các loài động vật, thực vật theo quy định trong phạm vi rừng đặc dụng. Đồng thời, họ cũng phải có nghĩa vụ bảo vệ, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên đặc biệt này.
 


Khai thác ngao vạn ở vùng đệm VQG Xuân Thủy. (Ảnh: Thông Thiện)

Cò thìa, loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao, tìm về sinh sống
và phát triển ngày một nhiều ở rừng ngập mặn Xuân Thủy. (Ảnh: Trang Linh)

«...
         Tháng 6/2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phê duyệt Dự án chương trình hợp tác kĩ thuật về bảo vệ tổng hợp vùng ven biển và rừng ngập mặn nhằm thích nghi với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với tổng nguồn vốn đầu tư 21 triệu euro, trong đó vốn tài trợ không hoàn lại từ chính phủ Đức và Australia là 18,35 triệu euro, còn lại là vốn đối ứng.

Được biết, hiện nay, ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), những cánh rừng ngập mặn đang phục hồi và phát triển tốt nên đã tạo điều kiện cho một lượng lớn tôm, cua, cá và các loài thủy sản khác từ biển tìm vào cư trú, sinh sôi ngày một nhiều, tạo nên nguồn lợi thủy sản rất phong phú. Vì thế, mỗi ngày có tới hơn 1.000 người dân của 3 xã Giao Thủy, Giao An và Giao Hải vào khai thác kiếm sống. Sản phẩm khai thác của họ là tôm, cua, cá…. sống dưới tán rừng. Vào một buổi chiều, chúng tôi bắt gặp một nhóm phụ nữ vừa đi rừng về. Chị Nguyễn Thị Diên, người ở xã Giao Thủy hồ hởi khoe 2 con cua nặng gần 1kg vừa bắt được và cho biết: “Hai con cua này đem bán được khoảng 300 nghìn đồng, đủ chi tiêu thoải mái cho cả nhà. Từ ngày có chủ trương của nhà nước và sự hướng dẫn của Ban Quản lí rừng, cuộc sống của chúng tôi cũng dễ chịu hơn trước nhờ vào việc khai thác và bảo vệ rừng ngập mặn”.

Khác với ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy ở Nam Định, người dân ở khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ tại Tp. Hồ Chí Minh lại có cách cộng sinh từ rừng theo một mô hình khác. Theo Ban Quản lí rừng phòng hộ Cần Giờ, hiện có 141 hộ dân địa phương và 14 đơn vị nhà nước được giao khoán trồng và giữ rừng với tổng diện tích hơn 37 nghìn ha. Bình quân mỗi hộ nhận trồng, chăm sóc và bảo vệ khoảng 70ha với mức tiền công 725.000 đồng/ha/năm. Như vậy, theo cách tính của chúng tôi, bình quân mỗi năm một hộ dân nhận khoán giữ rừng ở Cần Giờ được hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng từ nguồn vốn giao khoán trồng và bảo vệ rừng. Ngoài nguồn thu nhập trên, người giữ rừng còn được trả lương khi về hưu và được quyền chuyển lại hợp đồng cho con cháu sau khi kết thúc 30 năm nhận giao khoán.


Phát triển nghề nuôi hàu tại rừng phòng hộ Cần Giờ. (Ảnh: Lê Minh)

Thả khỉ đuôi dài nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau.
(Ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt)

Khách tham quan đảo khỉ trong rừng ngập mặn Cần Giờ. (Ảnh: Lê Minh)

Du khách tham quan khu nuôi cá sấu bán hoang dã ở Khu du lịch sinh thái Vàm Sát. (Ảnh: Lê Minh)

Khách tham quan rừng ngập mặn Cần Giờ. (Ảnh: Lê Minh)

Tham quan rừng ngập mặn Cà Mau bằng ca nô. (Ảnh: Lê Minh)

Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền và người dân trong công tác khôi phục và bảo vệ rừng, năm 2000 UNESCO đã công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn của Thế giới và cũng là Khu Dự trữ sinh quyển đầu tiên ở Việt Nam. Giờ đây, rừng ngập mặn Cần Giờ đã thực sự trở thành “lá phổi xanh” của hơn 7 triệu dân Tp. Hồ Chí Minh và là bộ máy lọc tự nhiên khổng lồ có chức năng làm sạch không khí và nước thải từ các khu công nghiệp gần thượng nguồn sông Đồng Nai - Sài Gòn trước khi đổ ra Biển Đông. Không những thế, Cần Giờ còn trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn, mỗi năm thu hút khoảng 500 ngàn du khách đến tham quan các cảnh đẹp và di tích nổi tiếng như: Khu du lịch Vàm Sát, Khu Bảo tồn Thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu Di tích Lịch sử Chiến khu Rừng Sác, Lâm Viên (đảo khỉ), bãi biển 30/4...

Có thể nói, việc phục hồi thành công hệ thống rừng ngập mặn, trong đó có rừng ngập mặn ở Xuân Thủy và Cần Giờ đã góp phần bảo vệ một hệ sinh thái rừng đặc dụng ven biển, tạo điều kiện cho người dân phát triển ổn định cuộc sống dựa vào nguồn tài nguyên rừng; và quan trọng hơn là thiết lập được một “bức tường xanh” vững chắc để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang đe dọa trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người dân ven biển./.

Bài: Thông Thiện, Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh, Thông Thiện, Việt Cường, Trang Linh, Nguyễn Vũ Thành Đạt

Bài: Thông Thiện, Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Lê Minh, Thông Thiện, Việt Cường, Trang Linh, Nguyễn Vũ Thành Đạt

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

DK1 vững vàng nơi đầu sóng

Trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, hơn 35 năm qua, Nhà giàn DK1 vẫn luôn đứng đó, sừng sững, hiên ngang như một “pháo đài thép”. Giữa sóng gió trùng khơi, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1 vẫn luôn nắm chắc tay súng, vững chân sóng giữ cho lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay, khẳng định đanh thép chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Top