Kinh tế

Hà Nội sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn trong điều kiện Covid-19

Trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã chủ động, có nhiều biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản an toàn phục vụ người dân Thủ đô. 
Ngay từ đầu năm 2021, trước diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp và lan rộng trên thế giới, để đảm bảo an ninh lương thực, ngành Nông nghiệp Hà Nội quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 48 vùng chăn nuôi lợn trọng điểm, 15 vùng chăn nuôi bò sữa trọng điểm, 39 vùng chăn nuôi bò thịt trọng điểm, 60 vùng chăn nuôi gia cầm tập trung, 48 khu chăn nuôi tập trung và 3.800 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.

Bên cạnh đó, Hà Nội dự trù nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thiết yếu của 10,5 triệu dân Thủ đô hàng tháng như sau: Gạo 94.500 tấn (khả năng tự cung ứng 56.338 tấn, đáp ứng 57,8% nhu cầu); thịt lợn hơi: 18.900 tấn (khả năng tự cung ứng 17.500 tấn, đáp ứng 92,6% nhu cầu); thịt bò 6.153 tấn (khả năng tự cung ứng 896 tấn, đáp ứng 14,5% nhu cầu); thịt gia cầm 6.300 tấn (khả năng tự cung ứng 12.700 tấn); thủy hải sản tươi, đông lạnh 5.250 tấn (khả năng tự cung ứng 9.080 tấn); thực phẩm chế biến 5.250 (khả năng tự cung ứng 925 tấn, đáp ứng 15,3% nhu cầu); rau củ 105.000 tấn (khả năng tự cung ứng 67.299 tấn, đáp ứng 64% nhu cầu); trái cây: 52.000 tấn (khả năng tự cung ứng đáp ứng 35% nhu cầu); trứng gia cầm 126 triệu quả (khả năng tự cung ứng 117 triệu quả, đáp ứng 64% nhu cầu)…



HTX Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) có diện tích canh tác 1,2ha chuyên trồng rau ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Công Đạt / VNP


Hà Nội có nhiều mô hình trồng rau thủy canh được thiết kế phù hợp với môi trường sống tại các đô thị,
cung ứng tại chỗ trong bối cảnh dịch Covid. Ảnh: Thanh Giang / VNP



Vườn măng tây được trồng trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGap của Hợp tác xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên
đảm bảo cung ứng rau sạch  cho trị trường Thủ đô trong mùa dịch Covid. Ảnh: Tất Sơn / VNP



Những mô hình nuôi gà, nuôi thỏ lấy thịt được nhiều HTX ở Hà Nội chú trọng phát triển tăng số lượng từ đầu năm 2021. Ảnh: VNP







Hà Nội đã phát triển 104 vùng trồng rau an toàn, được chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: VNP



Rau an toàn Hà Nội được bán tại hệ thống 127 siêu thị, đảm bảo nguồn cung rau sạch cho người dân thủ đô mùa Covid. Ảnh: VNP



Người dân Hà Nội chọn mua rau sạch tại siêu thị. Ảnh: VNP

Ngoài nguồn nông sản tại chỗ, Thành phố tăng cường hợp tác, kết nối các sản phẩm nông lâm thủy sản từ các tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. Trong 04 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố đạt 43.000 tấn, giá trị đạt 550 tỷ đồng.

“Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Thành phố đã tích cực hỗ trợ hiệu quả công tác quảng bá, kết nối cung - cầu sản phẩm các tỉnh, thành phố. Trong 4 tháng đầu năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm Hà Nội đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ lượng hàng từ các tỉnh, thành phố đạt 43.000 tấn, giá trị đạt 550 tỷ đồng, đặc biệt là hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông thủy sản các địa phương có khó khăn tiêu thụ trong mùa vụ và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vào các kênh phân phối tại Hà Nội, tiêu thụ trên 130 tấn gà đồi Chí Linh-Hải Dương, trên 13.000 tấn rau củ, trái cây, thủy sản của các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Giang, Sóc Trăng...”
Ông Nguyễn Mạnh Quyền- Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội
Hiện nay, thành phố Hà Nội có 29 trung tâm thương mại; 127 siêu thị, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành; 458 chợ, trong đó có 02 chợ đầu mối nông sản (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai) và một số chợ có tính chất đầu mối; trên 1.800 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm... vẫn đang hoạt đông tốt phục nhu yếu phẩm cho người dân Thủ đô.

Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp Thành phố tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ  nông sản an toàn với 141 chuỗi, trong đó có 56 chuỗi sản phầm động vật và 85 chuỗi sản phẩm thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Nhiều chuỗi được tổ chức khép kín, chủ động  từ khâu sản xuất giống, sản xuất vật tư, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra các thương hiệu sản phẩm mạnh trên thị trường như chuỗi gạo Bảo Minh, nấm Kinoko Thanh Cao, thịt lợn Hoàng Long, rau Cuối Quý…

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, yêu cầu khắc phục các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Từ đầu năm 2021, Chi cục đã thanh kiểm tra phát hiện 19 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, xử lý phạt trên 655 triệu đồng./.

 
Bài và ảnh: VNP
 

Thế mạnh và thành công của sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thế mạnh và thành công của sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Nhằm góp phần kết nối, chuyển giao công nghệ, xúc tiến phát triển thị trường khoa học và đưa công nghệ, khoa học vào thực tiễn phục vụ sản xuất phát triển kinh tế tại Việt Nam, triển lãm sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là điểm hẹn của những doanh nghiệp Việt Nam chào mừng 65 năm ngành khoa học công nghệ. 

Top