Tiềm năng địa phương

Hà Giang: danh tiếng miền chè shan tuyết

Trên bản đồ những vùng chè truyền thống ở Việt Nam và thế giới, Hà Giang có vị trí nổi bật. Điều này được minh chứng qua những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi đang tươi tốt, Những cây chè shan cổ thụ và diện tích chè Shan hiện có không chỉ góp phần đưa Hà Giang trở thành địa phương có sản lượng chè đứng thứ 3 cả nước, mà còn tạo nên chỉ dẫn địa lí, thương hiệu và bản sắc cho miền chè Hà Giang.
Chúng tôi có mặt tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên - một trong những địa phương sản xuất chè hữu cơ nổi tiếng của Hà Giang. Nhờ cây chè shan cổ thụ, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc đã có cuộc sống khấm khá, vươn lên làm giàu. Anh Đặng Văn Chiến ở thôn Tham Vè, xã Cao Bồ chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của chương trình 135 và chương trình CPRP (Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển sản xuất hàng hóa) nên giá trị của cây chè đã được nâng lên. Gia đình tôi có khoảng hơn 2000 cây chè, mỗi năm thu về khoảng 200 triệu”.

Chủ tịch xã Cao Bồ Lý Quốc Hưng cho biết: “Từ nhiều năm nay, cây chè shan tuyết là một cây chủ lực trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp của xã Cao Bồ”.

Hà Giang có diện tích chè lớn thứ 3 cả nước (sau Lâm Đồng và Thái Nguyên). Tính đến cuối năm 2018, diện tích chè của Hà Giang đạt gần 21.000ha, trong đó có 17.975ha cho thu hoạch, tổng sản lượng chè búp tươi ước đạt 70.100 tấn/năm.



Hà Giang với điều kiện khí hậu thuận lợi cho việc phát triển cây chè hữu cơ.


Búp chè shan tuyết ở Cao Bồ, huyện Vị Xuyên chắc, mập, lá có màu xanh non đặc trưng.


búp chè sau khi hái về được người dân Cao Bồ phơi rồi chọn lựa cẩn thận để đem sấy.


Lá chè shan trong quá trình sấy được kiểm tra thường xuyên.


Hộ gia đình anh Đặng Văn Chiến thôn Tham Vè, xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đổi đời nhờ cây chè shan tuyết cổ.



Cuộc sống người dân Cao Bồ ấm no nhờ cây chè shan tuyết.



Búp chè thành phẩm sau khi qua các công đoạn chế biến.


Trà sau khi pha nước có màu vàng như mật ong, khi mới nhấp lên môi có vị đắng nhẹ, một lúc sau lại thấy vị ngọt thanh.

Do tiểu vùng khí hậu đặc thù đã tạo cho Hà Giang một số thương hiệu chè đặc sản như chè shan tuyết Lũng Phìn (huyện Đồng Văn), chè shan Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì), chè shan tuyết Cao Bồ (huyện Vị Xuyên)… nổi tiếng trong nước và quốc tế. Người dân ở các huyện trồng chè đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăm sóc, thu hái và chế biến các sản phẩm chè.

Bên cạnh đó, trên địa bàn Hà Giang tồn tại nhiều vườn chè có độ tuổi hàng trăm năm như quần thể chè cổ thụ tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, chè cổ thụ tại xã Nậm Ty, huyện Hoàng Su Phì, quần thể chè cổ thụ tại xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn…

Tính đến thời điểm cuối năm 2018, trên địa bàn Hà Giang đã có 1.820ha chè được cấp chứng nhận chè hữu cơ. Tỉnh hiện có 600 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh và chế biến chè. Sản phẩm chè hữu cơ của Hà Giang sau khi chế biến được sử dụng tiêu dùng trong nội tỉnh và xuất bán nguyên liệu thô đi các tỉnh khác với giá bình quân từ 320.000 - 350.000 đồng/kg./.


Thực hiện: Trần Thanh Giang


Top