Nghề Việt

Độc đáo nghề nặn tò he Xuân La

Trong các nghề gắn bó và đặc trưng cho làng quê Bắc bộ của Việt Nam, nặn tò he (thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được mệnh danh là một nghề độc nhất vô nhị
Làng Xuân La được coi là “cái nôi” sinh ra nghề nặn tò he. Theo những người cao niên trong làng, nghề nặn tò he là một nghề truyền thống xuất hiện khoảng 400 – 500 năm trước.
 
Trước đây, nghề nặn tò he còn được gọi là nghề nặn chim cò (bánh chim cò). Bởi người dân làng Xuân La lúc bấy giờ chỉ nặn chim, cò, và các con vật dùng để cúng lễ như: công, gà, trâu, bò, lợn cá... Sau đó mỗi chiếc bánh chim cò đều được gắn thêm một chiếc còi. Khi thổi phát ra tiếng “tò te”, nên được đọc chệch là tò he.
 
Về làng Xuân La, dễ dàng bắt gặp hình ảnh người Xuân La dạy con cháu nặn tò he. Không nói quá khi mà cả làng ai ai cũng biết nặn tò he. Khiến người ta có suy nghĩ “nghề làm tò he ở làng Xuân La đã ngấm vào máu của người dân nơi đây”.



Tò he được làm từ bột gạo và sử dụng những màu sắc của tự nhiên như củ nghệ, gấc, lá chàm…


Để tạo ra một bộ râu 
hoặc tóc cho nhân vật người nghệ nhân sử dụng chiếc lược.


Ngày nay rất nhiều các bạn trẻ đam mê tìm về với trò chơi nặn tò he.


Tò he với những màu sắc sặc sỡ bắt mắt.


Du khách nước ngoài thích thú trước những sản phẩm tò he.


Bạn trẻ thích thú với tò he hình bông hồng.


Các gian hàng tò he được bày bán trên phố đi bộ Hồ Gươm.


Một gian hàng tò he được bày bán trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn.


Có những cuộc thi nặn tò he để khôi phục và gìn giữ nghề cổ. 

Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo tẻ và bột gạo nếp, pha theo tỉ lệ 10:1. Nếu thời tiết nóng, hanh khô thì tỷ lệ bột nếp sẽ nhiều hơn để giữ được độ dẻo của sản phẩm. Sau khi luộc chín, người ta nắm bột lại thành từng vắt và nhuộm màu riêng cho từng vắt. Bốn màu cơ bản là vàng, đỏ, xanh, đen, màu vàng làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ, màu đỏ từ quả gấc, màu đen từ cây nhọ nồi, màu xanh lấy từ lá chàm hoặc lá riềng. Các màu sắc trung gian khác đều được tạo từ bốn màu này.
 
Những cục bột đa màu sắc này muốn “có hồn” phải nhờ vào bàn tay tài hoa, đầu óc sáng tạo và một trí tưởng tượng phong phú của các nghệ nhân tò he Xuân La.
 
Kết hợp với những đồ nghề đơn giản là một chiếc lược có chuôi, một nắm que tre, mảnh sáp ong… chỉ sau vài phút, với vài động tác véo bột, vê bột, các nghệ nhân Xuân La đã tạo ra những con tò he trong sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng và khâm phục của các khách hàng.
 
Ngày nay các nghệ nhân Xuân La đã biết cập nhật sở thích, thị hiếu của các khách hàng trẻ và đáp ứng nhu cầu thị trường. Rất nhiều những hình tò he lạ mắt, phong phú như những nhân vật trong truyện cổ tích, truyện tranh được nặn ra như: Aladin, Đôremon, Pokemon, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Na tra...
 
Nghệ nhân đường phố của làng tò he Xuân La được coi như những nghệ sỹ biểu diễn nghệ thuật. Ngoài ra họ còn được tham gia vào công tác giảng dạy nghề trong các trường học. Đây là một tín hiệu phát triển đáng mừng của một nghề truyền thống mang tính địa phương.
 










Các sản phẩm tò he của Xuân La

Sự độc đáo của nghề nặn tò he đã lan truyền trong và ngoài nước. Những người nghệ nhân tò he Xuân La đầu tiên đã được mời sang Nhật, Mỹ, Hàn Quốc để giới thiệu và trình diễn nghề như: nghệ nhân dân gian Đặng Văn Tố, nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận…. Năm 2007, 2012, các nghệ nhân trẻ của làng như nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Thành, nghệ nhân Đặng Văn Tẫn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mời trình diễn tò he trong chương trình Giao lưu nhân dân ASEAN tại Thái Lan và Trung Quốc…
 
Với sự độc đáo và tài tình trong cách tạo nên đồ chơi cho trẻ thơ, tò he Xuân La, một món quà lưu niệm mộc mạc, đậm chất làng quê Việt đã chinh phục và tạo ấn tượng tốt với các sân chơi văn hoá và bạn bè quốc tế./.

 
Bài: Thảo Vy 
Ảnh: Trần Thanh Giang

Chuyện người đẽo thuyền độc mộc bên dòng Đăk Bla

Chuyện người đẽo thuyền độc mộc bên dòng Đăk Bla

Cũng như bao nhiêu người dân làng Lung Leng, anh A Lủi không biết rõ thuyền độc mộc có từ khi nào và ai là người khai sinh ra nó. Anh chỉ biết rằng từ bao đời nay chiếc thuyền gỗ mảnh khảnh ấy gắn bó với người Ba Na đi qua không biết bao nhiêu đoạn sông Đăk Bla lắm đá, ghềnh, và giờ anh lại tiếp nối giữ nghề đẽo thuyền độc mộc, dẫu biết rằng cái nghề này khó có thể nuôi sống bản thân anh và gia đình trong thời buổi chẳng còn mấy ai dùng loại thuyền cổ xưa này nữa.

Top