Khám phá

"Sắc màu Việt Nam” - không gian trải nghiệm bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc

Không gian văn hóa mang đậm bản sắc đồng bào các dân tộc trên mọi miền của Tổ quốc đã được sinh viên Khoa Văn hoá Dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh tái hiện sinh động qua chương trình “Sắc màu Việt Nam” trong những ngày cuối tháng 5 vừa qua.
Không gian Trường Đại học Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh (phường Thảo Điền, quận 2, Tp. Hồ Chí Minh) trong khoảng thời gian từ 16 - 20/5 đã trở hành “Sắc màu Việt Nam” thu nhỏ, thể hiện những nét văn hóa đa dạng, mang đậm bản sắc các dân tộc Việt Nam.

Chương trình “Sắc màu Việt Nam” chào mừng Ngày hội văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam lần III và kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa thực sự đã mang đến cho các bạn trẻ những trải nghiệm thú vị từ bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên dải đất hình chữ S đến việc quảng bá hình ảnh các dân tộc thiểu số Việt Nam đến với mọi người.


Bộ ấm chén trà của bà con dân tộc Tây Bắc trưng bày trong Triển lãm trang phục, dụng cụ đặc trưng của các dân tộc.


Mặt nạ của đồng bào dân tộc Tây Nguyên trưng bày trong Triển lãm trang phục, dụng cụ đặc trưng của các dân tộc.


Các nhạc cụ truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.


 Chiếc khăn piêu huyền thoại của phụ nữ dân tộc Thái.


Các bạn trẻ khám phá văn hóa dân tộc thiểu số trong chương trình “Sắc màu Việt Nam”.

Hàng trăm sinh viên đến từ Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Chi hội người Chăm Tp. Hồ Chí Minh, Chi hội người Khmer Tp. Hồ Chí Minh, Đoàn cơ sở Lữ đoàn phòng không không quân 77 cùng các khoa trong trường Đại Học Văn Hóa Tp. Hồ Chí Minh đã nhiệt tình tham gia chương trình với rất nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.

Theo đạo diễn Hoàng Duẩn, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Tp.
Hồ Chí Minh, cố vấn chương trình “Sắc màu Việt Nam” thì mục đích của chương trình là tạo một sân chơi lành mạnh bổ ích cho sinh viên Trường Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và sinh viên các trường trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh nói chung. Qua đó, giúp cho các bạn sinh viên hiểu thêm và thể hiện niềm tự hào về sự phong phú, đa dạng  bản sắc văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Tham dự chương trình “Sắc màu Việt Nam”, người xem thực sự được hòa mình vào không gian 6 vùng văn hoá Việt Nam: Tây Bắc, Việt Bắc, Đồng bằng châu thổ sông Hồng, Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Điều đặc biệt là văn hóa các vùng miền có sự khác biệt khá rõ ràng nhưng ở đây đều được tái hiện một cách chân thực qua những khung cảnh đặc trưng, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa.

Điểm nhấn chính của “Sắc màu Việt Nam” là Triển lãm trang phục, dụng cụ đặc trưng của các dân tộc như: Thái, Tày, Khmer, M’Nông, Chăm, Mường… Ở đây, khách tham quan được khám phá không gian triển lãm với vẻ đẹp của những bộ trang phục đầy màu sắc; cùng nhau tìm hiểu những dụng cụ truyền thống, phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất của các dân tộc thiểu số. Qua triển lãm, ai cũng hiểu hơn về văn hóa, khả năng thích ứng với cuộc sống tự nhiên của đồng bào các dân tộc Việt Nam trên mọi vùng miền.

Bên cạnh đó, “Con đường ẩm thực” cũng đưa du khách đến với những món ăn đặc sản của các dân tộc ở các vùng miền như: Bánh tráng cuốn của người Nam Bộ, cốm dẹp của người Khmer, xôi ở Bắc Bộ, cơm lam của đồng bào Nguyên…



Tái hiện Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.


Các bạn sinh viên với mô hình ghe ngo truyền thống của người Khmer Nam Bộ...


...và tham gia trình diễn phần đua ghe ngo đầy sôi động trên sân trường.


Tiết mục hát múa “Cô gái vót chông” tái hiện hình ảnh thiếu nữ dân tộc Tây Nguyên duyên dáng.


Giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số trong chương trình “Sắc màu Việt Nam”.

Đặc biệt, cuối chương trình, không gian “Sắc màu Việt Nam” càng trở nên sôi động khi các bạn sinh viên và du khách như được sống trong không khí lễ hội với Lễ hội Ok-Om-Bok của người Khmer Nam Bộ. Các nghi lễ đặc trưng của Lễ hội Ok-Om-Bok đều được tái hiện lại một cách sinh động và chân thực: Đút cốm dẹp, đua ghe Ngo, múa dân vũ… Bạn Nguyễn Minh Phương, sinh viên năm thứ nhất, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Em được tìm hiểu và khám phá thêm được rất nhiều điều về văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam qua chương trình. Em ấn tượng nhất phần trình diễn đua ghe ngo của các bạn sinh viên vì phần trình diễn này đã thể hiện rõ được bản sắc văn hóa lễ hội của người Khmer Nam bộ…”./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Vũ Thành Đạt

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top