Xôi ngũ sắc – Tinh hoa đất trời Mường Lò

Xôi ngũ sắc – Tinh hoa đất trời Mường Lò


Không chỉ là món ăn đại diện cho văn hóa ẩm thực của vùng đất Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái),  xôi ngũ sắc còn mang một ý nghĩa đặc biệt trong quan điểm, trong suy nghĩ của người Thái đó là “thuyết ngũ hành”. Món xôi ngũ sắc thường được làm trong các dịp lễ, Tết để thông qua đó thể hiện khát vọng được yêu thương của con người, đó là lòng hiếu thảo yêu mẹ, kính cha của con cháu và đặc biệt là khát vọng tình yêu son sắt, thủy chung của đôi lứa, qua đó mong cầu những điều may mắn, tốt lành đến với bản làng, quê hương.

Xôi ngũ sắc có 5 màu cơ bản gồm trắng, tím, đen, vàng và đỏ. Mỗi màu mang một ý nghĩa tượng trưng cho một khát vọng, mong ước của người Thái ở Mường Lò – cánh đồng lúa rộng lớn thứ 2 của vùng Tây Bắc.

Người dân tộc Thái sống ở Mường Lò quan niệm rằng, xôi màu đỏ tượng trưng cho khát vọng sống và những ước mơ về tương lai tươi sáng. Xôi màu tím, màu đen tượng trưng cho màu của đất đai trù phú. Họ luôn coi đất đai là một vật quý báu cần được giữ gìn và phát triển. Xôi màu vàng tượng trưng cho sự no ấm và phồn thịnh, một mong ước mà mọi người dân nơi đây đều hướng tới. Xôi màu trắng tượng trưng cho tình yêu trong trắng, thủy chung, là lòng hiếu thuận, kính trọng đối với cha mẹ, đấng sinh thành.

Người Thái thực hiện những công đoạn nhuộm gạo để làm xôi ngũ sắc.
Sau khi gạo được nhuộm bằng những loại cây trong thiên nhiên sẽ cho ra những màu như mong muốn.

Người Thái ở Mường Lò trình bày xôi ngũ sắc có rất nhiều kiểu và phụ thuộc vào từng dịp. Có lúc sẽ bày xôi theo hình bông hoa 5 cánh, mỗi cánh là một màu khác nhau. Có khi lại dùng khuôn gỗ đóng xôi thành nhiều tầng, mỗi tầng là một màu xôi,… Dù là cách trang trí nào, món xôi ngũ sắc cũng luôn rực rỡ và cuốn hút du khách trong và ngoài nước khi đặt chân đến vùng đất tươi đẹp này.

Nguyên liệu dùng để làm ra món xôi ngũ sắc bao gồm gạo nếp thơm và các loại lá cây rừng. Các màu của xôi ngũ sắc hoàn toàn được nhuộm từ các loại lá cây rừng bản địa. Tuy cách làm món xôi ngũ sắc không khó nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ của người phụ nữ. Bởi vậy, khi thưởng thức món ăn đặc biệt này, người lữ khách sẽ cảm nhận được sự tinh tế của người phụ nữ nơi núi rừng Tây Bắc.

Để xôi thơm ngon, đầu tiên luôn là khâu chọn nguyên liệu. Loại gạo nếp được chọn là loại nếp nương, 10 hạt như 10. Gạo nếp được chọn sau đó sẽ được ngâm trong nước sạch từ 6 đến 8 tiếng, chia thành 5 phần bằng nhau, mỗi phần sẽ nhuộm một màu khác nhau. Có rất nhiều loại lá, củ để tạo lên các màu trong xôi ngũ sắc. Thông thường sẽ là, màu tím của xôi lấy từ lá cơm tím, cho thêm tro bếp mịn để nhuộm màu đỏ. Màu vàng là từ màu của củ nghệ già. Cuối cùng, màu trắng là màu của xôi tự nhiên, không cần thêm bất kỳ loại lá nào.

Người Thái ở Mường Lò đồ chung 5 màu gạo đã nhuộm bằng chõ gỗ.

Công đoạn nhuộm màu cho nếp khá cầu kỳ. Các loại quả, củ, lá cây phải được giã, vắt riêng để lấy nước màu trộn vào gạo nếp trong các nồi khác nhau để tránh bị lẫn màu.

Nước suối dùng để đồ xôi phải là nước tinh khiết. Nước này được lấy từ các khe núi, với mạch nước ngầm sạch, trong lành của núi rừng. Đây cũng là bí quyết để các nơi dù học được cách nấu món xôi ngũ sắc nhưng hương vị thì không thể đạt được như món xôi được nấu bởi người dân tộc bản địa nơi đây.

Hương vị thiên nhiên của xôi ngũ sắc tạo nên sức hấp dẫn cho người thưởng thức.

Đồ xôi là công đoạn cuối cùng. Công đoạn này chính là khâu thể hiện mức độ khéo tay, tinh tế và kinh nghiệm của người phụ nữ. Những người phụ nữ ở Mường Lò ngay từ nhỏ đã được các bà, các mẹ hướng dẫn, dạy cho cách chọn nếp ngon, cách nhuộm gạo, đồ xôi, canh lửa... như một phần hành trang giữ nếp nhà của người con gái Mường Lò.

Xôi ngũ sắc tuy là món ăn bình dân, nhưng lại kết tinh trong đó nhiều giá trị tư tưởng, văn hóa trong quan niệm, ứng xử của người Thái và được tạo nên từ những sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Bởi vậy, xôi ngũ sắc còn được ví là món ăn chứa đựng tinh hoa của đất trời vùng đất Mường Lò./. 

  • Bài: Vy Thảo/Báo ảnh Việt Nam  
  • Ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam 

 


Top