Khám phá

Đệ nhất khắc chữ trên chuông đất Hà thành

Là người kế thừa, sáng tạo, phát triển kỹ thuật khắc chữ trên chuông đồng nổi tiếng bậc nhất Hà Nội, nghệ nhân Nguyễn Đăng Hiển đã khắc chữ Hán cho hàng nghìn chiếc chuông đồng trên khắp cả nước.
Chúng tôi có dịp theo chân nghệ nhân Nguyễn Đăng Hiển đi xem ông khắc chữ trên chiếc chuông đồng tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng). Sau mỗi nhịp búa, những mẩu phôi đồng vàng óng nhỏ li ti bung ra. Mũi dao sắc trên tay ông chuyển khéo léo, nhẹ nhàng lượn theo từngnét  chữ trên bề mặt đồng rắn chắc để làm lộ dần ra từng nét chữ thư pháp tuyệt đẹp.

Theo chân ông Hiển suốt quá trình khắc chữ trên chuông mới thấy được sự khổ luyện của người thợ. Ông Hiển luôn giữ nguyên tắc: Nhất khí a thành (một hơi thở phải tạo một nét chữ). Một quả chuông đôi khi chỉ vài chục chữ, nhưng có khi lên tới 3.000 - 4.000 chữ.

Ông gõ búa với lực vừa đủ, không quá nhẹ cũng không quá mạnhđể nét đục đúng khuôn khổ. Chẳng mấy chốc, một bên mặt của quả chuông đã phủ đầy chữ Hán màu đồng vàng óng. 


Hơn 60 năm trong nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Hiển đã khắc chữ trên hàng nghìn quả chuông đồng.



Bộ đồ nghề đơn giản để khắc chữ trên chuông đồng của nghệ nhân Nguyễn Văn Hiển.



Nghệ nhân Nguyễn Văn Hiển đang miệt mài khắc chữ trên một chiếc chuông đồng lớn.


Đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân Nguyễn Văn Hiển khi khắc từng nét chữ trên chuông đồng.


Nghệ nhân Nguyễn Văn Hiển luôn cẩn thận với công việc, cho dù đó là chuông to hay bé.


Ông đồ Nguyễn Văn Hiển đang viết chữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Ông Hiển tâm sự: “Nghề khắc chữ trên chuông đồng vô cùng vất vả, không phải ai cũng theo được. Nó đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn, tỉ mỉ cùng một tâm hồn tinh tế mới có thể khắc được những nét chữ có hồn. Nét khắc phải có độ nông, sâu, rộng, hẹp phù hợp để người nhìn vào thấy được cái đẹp mềm mại, uyển chuyển của cây liễu, cái rắn rỏi của cây tùng, cây bách, cái thâm thúy của chữ thánh hiền”.

Khắc chữ trên chuông, nét chữ  lưu lại ngàn đời. Sai, hỏng, đẹp đều được người đời sau thấy cả. Chính vì ý nghĩa thiêng liêng của chuông đồng, người khắc chữ không được sai sót dù chỉ một li. Chỉ cần sai sót một chi tiết nhỏ là quả chuông đồng nặng hàng tấn coi như đã bỏ đi.

Ngoài nghề khắc chữ trên chuông, nghệ nhân Nguyễn Đăng Hiển còn được biết đến là một người thầy chữ Hán. Lớp học của thầy Hiển hết sức đặc biệt, với học sinh đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau nhưng đều chung niềm đam mê với kiến thức chữ Hán.


Vì vậy mà hàng đêm, căn phòng nhỏ trên gác tại ngôi nhà số 46 phố Hàng Vải của nghệ nhân Nguyễn Đăng Hiển lại sáng đèn và thầy Hiển lại cần mẫn truyền dạy cho học trò từng nét chữ của người xưa để lại.

Cho đến nay, với hơn 60 năm trong nghề ông Hiển không thể nhớ hết được số chuông mình đã khắc chữ. Nay tuổi đời đã cao, mong muốn lớn nhất của ông là có sức khỏe để được sống với nghề và truyền dạy kỹ thuật khắc chữ trên chuông cho các đệ tử để cái nghề cao quý của cha ông không bị thất truyền./.
 
Bài: Quỳnh Anh - Ảnh: Trịnh Bộ

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Tháp Đôi - dấu ấn văn hóa Chăm Pa ở Quy Nhơn

Đến với Quy Nhơn (Bình Định), du khách không chỉ được khám phá những bãi biển đẹp, các danh lam thắng cảnh hùng vĩ mà còn được chiêm ngưỡng những tòa tháp Chăm cổ kính có niên đại trên dưới ngàn năm tuổi. Trong số đó, Tháp Đôi là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan và khám phá.

Top