Văn hóa

"Vật báu" của gia đình Ivan Nesterov

Ivan Nesterov (Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Nga tại Việt Nam) cùng gia đình có chuyến du Xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và được ông đồ Cung Khắc Lược cho chữ. Bức thư pháp này được anh coi là "vật báu" của gia đình trong thời gian công tác tại Việt Nam. 
Ấn tượng của nhà ngoại giao Nga

Chúng tôi gặp anh Ivan Nesterov tại Hội chữ Xuân Đinh Dậu đang diễn ra bên hồ Văn cạnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Hôm nay, anh đưa vợ và cô con gái nhỏ đến thăm Văn Miếu và xin chữ đầu năm như phong tục của người Việt Nam. Anh mở màn câu chuyện bằng cái bắt tay chặt và lời chào bằng tiếng Việt khá chuẩn: "Xin chào! Chúc mừng Năm mới nhé!"

Ivan Nesterov là nhà ngoại giao, làm việc tại Đại sứ quán Nga tại Hà Nội hơn 5 năm. Vợ anh cũng là một người am hiểu Việt Nam. Chị học tiếng Việt tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Ivan Nesterov đến Việt Nam lần đầu vào năm 2000, khi còn là sinh viên. Anh cho biết: “Tôi còn nhớ rõ ấn tượng đầu tiên của mình khi đến thăm Văn Miếu. Những tấm bia đá lớn đặt trên lưng rùa, cùng những lời răn dạy của những nhà thông thái Việt Nam làm tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi vẫn nhớ khung cảnh những ông cụ già ngồi bên phố dọc theo lối vào Văn Miếu viết chữ thư pháp cho những người đến xin.”




Gia đình anh Ivan Nesterov ấn tượng với những bức thư pháp được triển lãm tại Hội chữ Xuân 2017. Ảnh: Trần Hiếu


Trò chuyện với thư pháp gia Cung Khắc Lược anh Ivan Nesterov hiểu hơn về phong tục ngày Tết của Việt Nam. Ảnh: Trần Hiếu


Gia đình anh Ivan Nesterov xin chữ ông đồ Cung Khắc Lược. Ảnh: Trần Hiếu


Nhà ngoại giao Nga Ivan Nesterov ấn tượng với phong thái của ông đồ Cung Khắc Lược. Ảnh: Trần Hiếu


Gia đình anh Ivan Nesterov hỏi các bạn trẻ về ý nghĩa của bức thư pháp mà họ vừa xin từ các ông đồ. Ảnh: Trần Hiếu



Hội chữ Xuân là dịp để du khách nước ngoài tìm hiểu phong tục ngày Tết của Việt Nam. Ảnh: Công Đạt

Hôm nay, đúng 17 năm sau, anh sinh viên Nga ngày nào đã trở thành nhà ngoại giao, trở lại Văn Miếu để xin chữ ông đồ. Anh chia sẻ: “Trong không khí của ngày Tết Việt Nam tôi rất vui cùng gia đình đến thăm Văn Miếu, được gặp và xin chữ của một trong những nhà thư pháp nổi tiếng – Cung Khắc Lược. Cuộc gặp hôm nay sẽ khiến tôi ghi nhớ mãi, vì nhờ nó mà tôi được biết một trong những phong tục cổ xưa của Việt Nam, đó là xin chữ đầu năm mới với những lời tốt đẹp dành cho gia đình và người thân. Bức thư pháp hôm nay tôi nhận được thật tuyệt vời, nó sẽ là vật báu trong gia đình tôi. Và tôi nhất định sẽ kể lại cho cô con gái bé bỏng của tôi câu chuyện ngày hôm nay.”

Độc đáo thư pháp Việt

Từ thời xa xưa, người Việt đã có tục xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết đến, Xuân sang. Tục xin chữ và cho chữ trở thành nét đẹp văn hoá người Việt thể hiện sự coi trọng chữ nghĩa, tri thức, tôn sư trọng đạo. Tiếp nối truyền thống của những năm trước, Hội chữ Xuân 2017 được tổ chức bên hồ Văn, đối diện với Văn Miếu-Quốc tử giám, thu hút gần 100 thư pháp gia đến từ các câu lạc bộ Thư pháp nổi tiếng của Hà thành. Năm nay, Ban tổ chức dành những vị trí trang trọng cho những người viết cao tuổi, có nhiều đóng góp trong việc duy trì và phát triển nghệ thuật thư pháp Việt Nam, như: Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu…



Khai bút Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: Công Đạt


Bút lông, giấy, mực tàu, nghiên... là những vật dụng không thể thiếu của mỗi ông đồ. Ảnh: Trần Hiếu


Diễn ra từ 26/1 đến 11/2/2017 Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017
thu hút hàng ngàn lượt người đến thăm và xin chữ mỗi ngày. Ảnh: Công Đạt


Tục xin chữ và cho chữ thể hiện sự coi trọng chữ nghĩa, tri thức, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Công Đạt


Một em nhỏ chăm chú theo dõi nét bút của ông đồ. Ảnh: Công Đạt


Xin chữ và cho chữ là phong tục đẹp của người Việt vào những ngày Tết đến, Xuân sang. Ảnh: Công Đạt


Mỗi nét chữ thể hiện cái tâm, cái tài và cá tính của mỗi “Ông đồ”. Ảnh: Công Đạt

Trong không gian khoáng đãng bên hồ Văn, các ông đồ ăn vận chỉnh tề trong bộ áo dài khăn đóng truyền thống, bày nghiên mực, giấy bút, thể hiện sự điêu luyện, tinh tế trong từng đường nét như phượng múa rồng bay. Mỗi bức thư pháp không chỉ là những câu chữ đơn điệu, mà còn là bức họa thực thụ với những niêm luật bố cục chặt chẽ. Mỗi “ông đồ” chọn cho mình cách thể hiện mang cá tính riêng, nét chữ nói lên tâm, tài và cá tính của người viết. Ngược lại, ý nghĩa của câu chữ lại thể hiện điều mong muốn của người xin chữ tâm niệm trong năm mới.

Đối với nhiều người, xin chữ ngày Tết là việc quan trọng. Mọi người xin chữ để cầu may mắn, cho, tặng người mình yêu kính, cũng có người xin chữ để răn mình, cầu tiến bộ. Xin chữ còn thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, là nét văn hóa đẹp của người Việt từ xa xưa, như nhà văn Phan Ngọc từng viết: “… Khi bước vào một căn nhà Việt Nam cái đập vào mắt ta là câu đối, trướng, hoành phi, nhắc chúng ta nhớ đến văn hóa tổ tiên”
.

Cùng với thời gian, tục xin chữ đầu năm không những là hoạt động ý nghĩa trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, mà còn là dịp để hàng ngàn người nước ngoài, trong đó có gia đình nhà ngoại giao Nga Ivan Nesterov, tìm hiểu nét độc đáo của văn hóa Việt Nam./.

 
Thực hiện: Trần Hiếu - Công Đạt


Top