Tin tức

Trao quyền tự chủ kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua ứng dụng công nghệ 4.0

UNDP và Viettel ký kết Biên bản ghi nhớ về khung hợp tác hỗ trợ nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển
bền vững (SDG) ở Việt Nam với sự chứng kiến của UBND tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Hoàng Giang - TTXVN
Ngày 17/7, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội thảo kết nối “Phụ nữ dân tộc thiểu số tự mở rộng kinh doanh và thoát nghèo với công nghệ 4.0”, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam tài trợ. Tham dự có bà Caitlin Weisen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cùng đại diện 46 tổ, nhóm, hợp tác xã sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Chương trình “Trao quyền tự chủ kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua ứng dụng công nghệ 4.0” với sự hỗ trợ của UNDP, sẽ tạo điều kiện cho 450 phụ nữ dân tộc thiểu số của hai tỉnh Bắc Kạn và Đắc Nông có thể tự mở rộng kinh doanh sản xuất và thoát nghèo.

Ở Bắc Kạn, hiện đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95% các hộ nghèo đa chiều. Sinh kế chủ yếu của đồng bào là các hoạt động sản xuất nông nghiệp với năng suất thấp; nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thị trường, nguồn lực tài chính và các giải pháp tài chính hiện đại cũng như công nghệ mới. Hơn nữa, năng suất và sinh kế của bà con còn bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, trong khi đó cơ hội tiếp cận với giải pháp bảo hiểm vi mô lại rất hạn chế.

Thông qua chương trình “Trao quyền tự chủ kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua ứng dụng công nghệ 4.0”, các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo và các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư, các nhà hoạch định chính sách của chính phủ, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ có cơ hội được kết nối, làm quen trong các chương trình, đối tác.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là rất quan trọng. Chương trình nhằm tạo dựng mạng lưới kỹ thuật, kết nối các đối tác tiềm năng để hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các tổ nhóm, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về khả năng ứng dụng công nghệ 4.0 trong tiếp cận thị trường. Đây là cách làm mới, phù hợp với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của Chính phủ, mục tiêu cuối cùng cần đạt được là hướng tới tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến người nghèo, tạo việc làm đem lại thu nhập cho người nghèo.

Phát biểu tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số có tiềm năng rất lớn, tạo điều kiện cho đồng bào và phụ nữ dân tộc thiểu số nhanh chóng cải thiện sản xuất và mở rộng kinh doanh, thoát nghèo bền vững. Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp Việt Nam vào cuộc tận dụng cơ hội này.

Nhân dịp này, UNDP và Viettel đã ký kết Biên bản ghi nhớ về khung hợp tác hỗ trợ nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ở Việt Nam. Hai bên sẽ cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, các doanh nghiệp, bao gồm việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào việc xác định và thử nghiệm các giải pháp nhằm trao quyền tự chủ kinh tế và giảm nghèo ở tất cả các tỉnh./.

TTXVN/VNP

Những cây cầu bắc qua sông Cần Thơ - điểm nhấn đô thị miền sông nước

Những cây cầu bắc qua sông Cần Thơ - điểm nhấn đô thị miền sông nước

Những năm qua, thành phố Cần Thơ đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng. Đặc biệt, việc xây dựng hàng loạt cầu bắc qua sông Cần Thơ đã góp phần đảm bảo cảnh quan đô thị, tạo tiền đề phát triển kinh tế, đồng thời làm điểm nhấn cho thành phố về kiến trúc, văn hoá đô thị miền sông nước.

Top