Tin tức

Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ biển trong hỗ trợ phát triển bền vững

Từ ngày 5-9/6, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Hội nghị lần thứ 23 của Tiến trình tham vấn không chính thức về các vấn đề đại dương và luật biển (ICP23) với chủ đề “Công nghệ biển mới: Thách thức và cơ hội” đã được tổ chức với sự tham dự của gần 100 đại diện các quốc gia thành viên LHQ và các tổ chức quốc tế.
  Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn-PV TTXVN tại New York  

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, phát biểu tại hội nghị, Tham tán công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, khẳng định với vai trò là nước đề xuất chủ đề của hội nghị năm nay, Việt Nam rất hiểu tầm quan trọng của việc đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ biển trong hỗ trợ phát triển kinh tế biển bền vững, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với các quốc gia ven biển. Đề cao tầm quan trọng của hợp tác khu vực và quốc tế trong việc phát triển và ứng dụng các công nghệ biển, Đại diện của Việt Nam cho rằng các quốc gia cần thúc đẩy tích cực việc phát triển và chuyển giao khoa học biển và công nghệ biển theo các điều khoản và điều kiện công bằng và hợp lý, phù hợp với các quy định của Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS) năm 1982; kêu gọi việc tạo điều kiện thuận lợi cho các các quốc gia đang phát triển có cơ hội được tiếp cận các công nghệ biển tiên tiến hiện nay với các điều khoản ưu đãi. Đồng thời, việc áp dụng các công nghệ biển cần tuân thủ theo các quy định của UNCLOS - khung pháp lý toàn diện điều chỉnh mọi hoạt động liên quan đến biển và đại dương.

  PSG.TS Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn-PV TTXVN tại New York 

            Nhân dịp này, Đại diện của Việt Nam đã nêu bật các thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, nhất là việc áp dụng công nghệ biển trên các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, đánh bắt cá, vận tải biển, dự báo khí tượng thủy văn… góp phần hỗ trợ cho phát triển bền vững kinh tế biển của Việt Nam.
            Cũng tại hội nghị, PSG.TS Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, với tư cách diễn giả, đã trình bày báo cáo về hiện trạng công nghệ quan trắc và dự báo khí tượng thuỷ văn biển ở Việt Nam, những hạn chế cần đầu tư để nâng cao độ tin cậy của dự báo biển. PSG.TS Nguyễn Bá Thủy cũng đề xuất các nội dung cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, thông qua đó tạo điều kiện cho các quốc gia đang phát triển có biển tiếp cận các công nghệ biển mới, bao gồm thiết bị quan sát và công nghệ dự báo, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển.
            Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi các sự kiện liên quan đến biển và đại dương tại LHQ trong tháng 6/2023, trong đó có lễ kỷ niệm Ngày đại dương của LHQ (ngày 8/6), Hội nghị lần thứ 33 các quốc gia thành viên UNCLOS và Hội nghị thông qua văn kiện pháp lý quốc tế về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia.
            Tiến trình tham vấn không chính thức về các vấn đề đại dương và luật biển được Đại hội đồng LHQ thành lập từ năm 1999 nhằm tạo điều kiện cho việc xem xét hàng năm các phát triển trong lĩnh vực đại dương và luật biển, đồng thời gợi ý các lĩnh vực cụ thể thảo luận hàng năm để thúc đẩy hợp tác và phối hợp giữa các nước cũng như các cơ quan chuyên ngành liên quan đến biển và đại dương.
            Chủ đề “Công nghệ biển mới: Thách thức và cơ hội” của hội nghị năm nay là do Việt Nam đề xuất và được Đại hội đồng LHQ nhất trí thông qua năm 2022./.

Báo ảnh Việt Nam/ TTXVN


Top