Tin tức

Việt Nam khẳng định vai trò quan trọng tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Pháp ngữ lần thứ 50

Từ ngày 9-13/7, tại thủ đô Paris của Pháp đã diễn ra Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Pháp ngữ lần thứ 50 (APF-50) với sự tham gia của hơn 550 đại biểu đến từ 59 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dẫn đầu đã tham dự sự kiện và khẳng định vị thế cũng như vai trò tích cực của Việt Nam trong Cộng đồng Pháp ngữ.
  Lễ khai mạc phiên toàn thể Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Pháp ngữ lần thứ 50, ngày 12/7 tại thủ đô Paris. Ảnh: Thu Hà - PV TTXVN tại Pháp  

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, APF-50 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu cột mốc nửa thế kỷ phát triển của tổ chức này. Chủ tịch APF Hilarion Etong nhấn mạnh tầm quan trọng lịch sử của sự kiện, coi đây là "khoảnh khắc hy vọng, cuộc hẹn của ký ức, nhưng cũng là thời điểm của kỳ vọng". Để tôn vinh tầm nhìn của các nhà sáng lập, ông Etong nhắc lại lời kêu gọi của Léopold Sédar Senghor năm 1966: "Chính các dân tộc, thông qua những người đại diện được bầu chọn, sẽ thúc đẩy các chính phủ tiến lên phía trước". Đây cũng chính là tinh thần mà APF theo đuổi suốt 50 năm qua và đã tạo ra không gian đối thoại liên nghị viện, nơi tiếng Pháp không chỉ là ngôn ngữ mà còn là cầu nối của các giá trị dân chủ, hòa bình và phát triển.

Đoàn Việt Nam tham dự APF-50 do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dẫn đầu. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam tham dự một Đại hội đồng APF ở cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt sau khi đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành APF và Diễn đàn Nghị viện về hợp tác Pháp ngữ trong lĩnh vực an ninh lương thực, nông nghiệp bền vững và biến đổi khí hậu tại Cần Thơ vào tháng 1 vừa qua. Việt Nam được đánh giá là "thành viên có vai trò chủ chốt của Cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ năm 1997, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF, bà Nguyễn Thúy Anh, được các thành viên tín nhiệm và liên tục bầu giữ vị trí cao.

Tại phiên toàn thể ngày 12/7, với chủ đề "Cộng đồng Pháp ngữ, điểm tựa của một thế giới đang khủng hoảng", bà Nguyễn Thúy Anh - đại diện cho Việt Nam - đã có bài phát biểu quan trọng thể hiện quan điểm và đề xuất cụ thể, mang thông điệp hòa bình và hợp tác đa phương của Việt Nam.

Đánh giá cao chủ đề của hội nghị, bà Thúy Anh khẳng định: "Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường với căng thẳng, xung đột địa chính trị, cạnh tranh, phân tách chiến lược, bất ổn tài chính - tiền tệ, khủng hoảng lương thực..., việc Đại hội đồng APF thảo luận chủ đề 'Cộng đồng Pháp ngữ, điểm tựa của một thế giới đang khủng hoảng' là rất kịp thời và quan trọng". Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF khẳng định: "Việt Nam luôn chia sẻ, ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ là hòa bình, dân chủ, đa dạng văn hóa - ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển. Đây cũng chính là những mục tiêu mà Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay".

Nhân dịp này, đại diện Việt Nam đã đưa ra 3 đề xuất cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của APF và Cộng đồng Pháp ngữ. Thứ nhất, về cải tổ và thích ứng, Cộng đồng Pháp ngữ cần đẩy mạnh cải tổ để thích ứng với những biến động nhanh chóng của thế giới và không gian Pháp ngữ, nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung hơn vào ưu tiên của các thành viên, đặc biệt là hợp tác kinh tế. Thứ hai, về vai trò nghị viện trong hòa bình, APF và các tổ chức liên nghị viện khác tiếp tục là diễn đàn để nghị sĩ thể hiện quan điểm, phản ánh nguyện vọng của nhân dân, cùng nhau xây dựng, bảo vệ một thế giới đoàn kết, hòa bình, thúc đẩy hợp tác đa phương, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, hướng tới phát triển bền vững. Thứ ba, về phát triển ngôn ngữ và văn hóa, đẩy mạnh các chương trình giảng dạy, đào tạo bằng tiếng Pháp, khuyến khích tuyển dụng nhân sự tiếng Pháp, tăng cường giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, giáo dục, qua đó đưa tiếng Pháp trở thành sợi dây gắn kết, củng cố tình đoàn kết giữa các quốc gia, dân tộc.

  Đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh dẫn đầu, tham dự sự kiện, khẳng định vị thế và vai trò tích cực trong Cộng đồng Pháp ngữ. Ảnh: Thu Hà - PV TTXVN tại Pháp  

Tại các phiên toàn thể của APF-50, ngày 12-13/7, lãnh đạo nghị viện các nước thành viên đã thẳng thắn thảo luận về những thách thức và cơ hội trong thế giới đa cực. Chủ tịch Quốc hội Pháp Yaël Braun-Pivet đã có bài phát biểu khai mạc đầy cảm hứng, nhấn mạnh vai trò chính trị của APF. Bài phát biểu có đoạn: "Cuộc khủng hoảng hệ thống của chủ nghĩa đa phương hiện nay mở ra cho liên minh chúng ta một cơ hội mới. Cơ hội để chúng ta nắm bắt đầy đủ vai trò chính trị của mình. Cơ hội để chứng minh rằng Pháp ngữ không chỉ là một không gian ngôn ngữ mà còn là lực lượng tác động tích cực trong việc điều tiết, hòa giải và hòa bình". Bà Yaël Braun-Pivet đưa ra tầm nhìn tương lai với cam kết thúc đẩy ba nội dung: khẳng định thể chế, đấu tranh cho quyền phụ nữ và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Bà đặc biệt nhấn mạnh điều này đã được đề cập từ lâu và đã đến lúc phải thực hiện việc tạo ra "Erasmus của Pháp ngữ”. Erasmus là chương trình trao đổi sinh viên và giảng viên của Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher cũng đã có những chia sẻ sâu sắc về ý nghĩa chính trị của Pháp ngữ, khẳng định vai trò của Pháp ngữ trong bảo vệ trật tự và các giá trị có ý nghĩa, đồng thời chống lại thế giới đơn cực.

Chủ tịch APF Hilarion Etong cũng đề cập đến việc một số quốc gia rút khỏi Cộng đồng Pháp ngữ, cho dù cộng đồng đã chọn cách tiếp cận từng bước, khuyến khích và duy trì đối thoại trong mọi điều kiện có thể. Tháng 3 vừa qua, chính quyền Mali, Burkina Faso và Niger đã tuyên bố rút khỏi Cộng đồng Pháp ngữ do quan hệ căng thẳng giữa Pháp với một số nước châu Phi. 

Diễn ra từ ngày 9-13/7, APF-50 đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng qua các ủy ban chuyên môn. Ủy ban Chính trị xem xét tình hình chính trị của các nước thành viên, việc triển khai các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại châu Phi, phòng chống khủng bố và các cơ chế giám sát dân chủ. Ủy ban Kinh tế, Xã hội và Môi trường tập trung vào các chương trình phát triển trong không gian Pháp ngữ, thỏa thuận thương mại trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các thách thức của hệ thống y tế cũng như của công tác phòng, chống tham nhũng. Ủy ban Giáo dục và Văn hóa thảo luận về giáo dục toàn dân, thách thức tài chính và chất lượng giáo dục, cũng như các chương trình quảng bá tiếng Pháp như kênh TV5. Mạng lưới Nữ nghị sĩ tập trung vào chính sách chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, vị trí của phụ nữ trong ngành khai khoáng và quyền của phụ nữ trong các cuộc xung đột vũ trang.

Một điểm đáng chú ý của APF-50 là việc chào đón các thành viên mới. Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher thông báo và chào mừng Nghị viện Ghana, São Tomé và Principe, bang Saarland (Đức) và Liên minh Nghị viện Ấn Độ Dương gia nhập Liên minh Nghị viện Pháp ngữ với tư cách quan sát viên.

APF-50 khép lại kỳ họp với nhiều kết quả tích cực, khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Pháp ngữ trong thúc đẩy đối thoại, hòa bình và hợp tác quốc tế. Với sự tham gia tích cực và những đóng góp có ý nghĩa, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong Cộng đồng Pháp ngữ và trên trường quốc tế./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN


Top