Tham dự lễ ký có Tổng Thư ký IPU Martin Chungong và Giáo sư Jean Trần Thanh Vân - đồng sáng lập kiêm Giám đốc ICISE. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva - cùng dự sự kiện.
ICISE và IPU thống nhất nâng cao các khuôn khổ, cơ chế và xây dựng năng lực trong các dự án hợp tác chung đáp ứng lợi ích của cả hai bên. Hợp tác này nhằm các mục tiêu: Tăng cường quan hệ đối tác giữa IPU và ICISE để góp phần đạt được mục tiêu chiến lược chung của cả hai tổ chức; Đẩy mạnh các công cụ và cơ chế ngoại giao khoa học nghị viện đa phương thông qua Nhóm công tác về Khoa học và Công nghệ của IPU như một phương tiện giúp giảm bớt căng thẳng và tranh chấp quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình và đối thoại; Hành động chung cụ thể có thể được khởi xướng bởi các cơ quan có thẩm quyền của hai tổ chức, với mục đích tổng thể là tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đón đầu nhằm phát triển các giải pháp toàn cầu và toàn diện cho một tương lai bền vững. Theo thỏa thuận này, ICISE và IPU sẽ thảo luận từng dự án hợp tác cụ thể trước khi đạt được thống nhất.
Giáo sư Jean Trần Thanh Vân chia sẻ ICISE cam kết thúc đẩy quản trị tốt và lòng tin, vì các giá trị khoa học và minh bạch đóng vai trò là ngôn ngữ chung hỗ trợ ngoại giao nghị viện. Giáo sư hy vọng với thỏa thuận vừa ký kết, một số sáng kiến kết hợp thế mạnh của cả hai tổ chức sẽ có thể mở ra sức mạnh hợp tác giữa cộng đồng khoa học và hoạch định chính sách vì lợi ích công.
Trước đó, Giáo sư Jean Trần Thanh Vân cũng đã cuộc gặp với lãnh đạo Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại trụ sở Phái đoàn ở Geneva.
Dự án hợp tác chung đầu tiên sẽ được khởi động vào tháng 7/2023 khi ICISE đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị viện Khoa học vì Hòa bình của IPU tại trung tâm ở Quy Nhơn, Việt Nam. Các nghị sĩ và chuyên gia quốc tế đến từ nhiều nước sẽ nhóm họp trong 3 ngày để thảo luận các chủ đề liên quan đến an ninh và mất an ninh nguồn nước vốn đang là thách thức nổi cộm của thế giới hiện nay./.