Tin tức

Tiến sĩ gốc Việt hồi sinh đồi cát cổ đại ở Canada

 Trong quá trình đô thị hóa, con người đã vô tình loại bỏ đi sự đa dạng sinh vật của tự nhiên. Kể cả những hoạt động được coi là nhằm phủ xanh đất trống nếu không đúng cách cũng trở thành hành động hủy hoại môi trường đa dạng sinh vật ở đó.
  Tiến sĩ Đặng Trung Phước (trái) giới thiệu lịch sử nguồn gốc đồi cát Pinhey của Ottawa, Canada. Ảnh: Hà Linh - PV TTXVN tại Canada  

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, dự án khôi phục đồi cát tự nhiên trong lòng thành phố của Tiến sĩ người Canada gốc Việt Đặng Trung Phước là một minh chứng rõ ràng cho điều này. Ông đã kiên trì trong suốt hơn 10 năm qua và giờ đây nó đã cho ra kết quả.

Đồi cát Pinhey nằm lọt thỏm trong một khu rừng rộng lớn của thủ đô Ottawa. Khu vực này hiện chỉ bằng 1% của đồi cát cổ đại cách đây 10.000 năm, nhưng phải mất tới 13 năm ròng rã mới có thể khôi phục được như vậy bằng cách loại bỏ rừng cây và dần dần đưa cát cùng các sinh vật đặc thù trong cát trở về. Giá trị của đồi cát này nằm ở chỗ tạo ra được môi trường tự nhiên cho các loài sinh vật từng bị tuyệt chủng, góp phần cho sự đa dạng sinh vật.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Canada Tiến sĩ Đặng Trung Phước, Chủ tịch Hội bảo tồn đa dạng sinh vật thế giới, cho biết việc bảo vệ đồi cát thường ít được nhắc tới vì nhiều người cho rằng đó chỉ là "một đống cát lớn". Tuy nhiên, theo ông, chính trong những đồi cát tưởng chừng vô tri đó lại tồn tại một hệ sinh vật phong phú và đa dạng, rất cần được quan tâm. Tiến sĩ Phước nhấn mạnh rằng hệ sinh thái đồi cát có những nét rất đặc biệt, nhất là tại khu vực Ottawa (Canada), nơi có đồi cát nội địa, khác với các đồi cát dọc duyên hải. Đồi cát nội địa này có từ thời tiền sử, khoảng 10.000 năm nay và hiện đang được khôi phục từng phần theo các chương trình đặt ra.

Đồi cát là môi trường sống thiết yếu cho nhiều sinh vật đa dạng, nhưng môi trường này đang bị đe dọa nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng của các loài từng sinh sống tại đây. Bằng quan điểm khoa học, Tiến sĩ Đặng Trung Phước đã biến một khu rừng thành một vùng độc đáo, được chính quyền và cộng đồng địa phương trân trọng. Vẻ đẹp hoang sơ và giá trị vô giá về giáo dục cũng như khoa học mà nó mang lại đã được ghi nhận và trở thành một trong những di sản về địa chất của vùng thủ đô Ottawa. 

  Anh Griffin Wright-Brown, Nghiên cứu sinh môi trường đô thị của Đại học Ottawa (phải) giới thiệu cho du khách về sinh vật sống được khôi phục tại đồi cát Pinhey ở thủ đô Ottawa, Canada. Ảnh: Hà Linh - PV TTXVN tại Canada  

Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Griffin Wright-Brown, Nghiên cứu sinh môi trường đô thị của Đại học Ottawa, cho biết vùng này là nơi sinh sống của một số loài côn trùng, động vật chân đốt cực kỳ quý hiếm và một số loài thực vật gần như sắp bị tuyệt chủng do trồng cây phủ xanh đất trống. Theo anh này, nhóm làm việc đã phải khôi phục lại và bắt đầu trồng các loài hoa dại bản địa mọc trên cát và vì thế một số loài bọ cánh cứng ở đây, từng bị liệt kê là tuyệt chủng ở Ontario, đã chuyển dần từ cực kỳ quý hiếm thành loài đang bao phủ toàn bộ môi trường sống trên cát này. Công việc đó đã biến nơi đây từ một điểm đang chết dần trở thành địa điểm tràn đầy sự sống.

Có thể nói, dự án này đã trở thành một phòng thí nghiệm tự nhiên sống động, tạo được sự hấp dẫn cho việc nghiên cứu và giáo dục, trở thành trường học ngoài trời rộng lớn cho nhiều lớp học sinh từ tiểu học, trung học và đại học tới đây tham quan và học tập. Danh tiếng của Đồi cát Pinhey đã được nhiều người Canada từ bờ Tây đến bờ Đông đều biết đến khi ngày càng có nhiều du khách cất công tới đây để chiêm ngưỡng vẻ hoang sơ của nó.

Ông Andrew Mott, Ủy viên phát triển dự án Đồi cát Pinhey nhận định rằng rất hiếm khi có một địa điểm đặc biệt như vậy được sử dụng cho mục đích giáo dục ngay giữa lòng thủ đô. Đây là một dự án bảo tồn thực sự để cứu lấy một hệ sinh thái và nếu việc bảo tồn không bắt đầu từ đầu những năm 2010 thì có lẽ nơi này sẽ không xuất hiện. 

Ông khẳng định đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền, kể cả việc họ trả tiền cho các đoàn xe buýt trường học đưa đón học sinh tới đây học tập, cả nghìn em mỗi năm. Dự án cũng đã đón rất nhiều sinh viên đại học từ các Trường Ottawa hay Carleton tới đây để làm luận văn nghiên cứu và viết báo cáo.

Hiện tại, Đồi cát Pinhey vẫn được Tiến sĩ Đặng Trung Phước và các đồng nghiệp của ông bảo vệ và duy trì một cách trân trọng. Họ còn đang lên kế hoạch để tiếp tục mở rộng dự án này nhằm góp phần làm đa dạng hơn nữa môi trường sống tự nhiên cho các thế hệ tương lai./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Đại học Ngoại thương được vinh danh tại WTO

Đại học Ngoại thương được vinh danh tại WTO

Ngày 2/7, Đại sứ các nước Anh, Cape Verde và El Salvador – đồng Chủ tịch nhóm công tác không chính thức về Thương mại và Giới – đã tổ chức trao “Giải thưởng quốc tế về bình đẳng giới trong thương mại” tại trụ sở của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Tại sự kiện, trường Đại học Ngoại thương của Việt Nam đã nhận được giải thưởng “vinh danh đặc biệt” của WTO.

Top