Dưới sự dẫn dắt của Thượng tọa Thích Minh Quang và Thượng tọa Thích Minh Nguyệt, chùa Phật Tích không ngừng được tôn tạo và mở rộng, vừa trang nghiêm, thanh tịnh về hình thức, vừa phong phú trong sinh hoạt Phật pháp.
Chia sẻ với phóng viên TTXN tại Lào, Thượng tọa Thích Minh Quang, Trụ trì chùa Phật Tích thủ đô Viêng Chăn cho biết ngôi chùa là điểm tựa và là ngôi nhà tâm linh để cộng đồng người Việt Nam tại Lào có nơi sinh hoạt và đoàn kết chặt chẽ với nhau. Giữa cuộc sống mưu sinh nơi đất khách, ngôi chùa hiện lên như một mái ấm chan hòa, nơi người xa quê tìm lại sự tĩnh lặng, an yên và kết nối sâu sắc với cội nguồn văn hóa dân tộc. Tại đây, mỗi dịp lễ, Tết truyền thống của dân tộc như Phật Đản, Vu Lan, Tết cổ truyền không chỉ là dịp để mọi người cùng nhau đến lễ Phật, cầu an, mà còn là cơ hội để cộng đồng quây quần bên nhau, chia sẻ tâm tư, nỗi niềm, thắt chặt tình đoàn kết.
Bên cạnh đó, suốt nhiều năm qua, chùa Phật Tích luôn xem công tác từ thiện là sứ mệnh từ bi thiêng liêng, là con đường thiết thực để hành đạo. Nhà chùa đều đặn tổ chức các hoạt động hỗ trợ người nghèo, người khuyết tật và những mảnh đời kém may mắn, không phân biệt tôn giáo, quốc tịch hay hoàn cảnh. Những suất cơm chay, phần cháo dinh dưỡng, những phần quà đầy nghĩa tình do chính tay các Phật tử gói ghém, được trao tận tay những bệnh nhân nghèo trong các bệnh viện – như một làn hơi ấm xoa dịu những ngày tháng khó khăn.
Không chỉ giới hạn trong phạm vi thủ đô Viêng Chăn, tấm lòng của các Phật tử chùa Phật Tích còn vượt núi băng rừng, len lỏi đến tận những bản làng xa xôi hẻo lánh trên khắp đất nước Lào. Những chuyến xe chở hàng cứu trợ lăn bánh, mang theo gạo, áo ấm, thuốc men, nhưng hơn hết là mang theo tình thương, sự sẻ chia và hơi ấm của cộng đồng người Việt xa xứ đến với những mảnh đời còn nhiều thiếu thốn.
Và khi quê hương Việt Nam hứng chịu bão lũ, những thùng mì tôm, từng chiếc chăn mỏng, manh áo ấm… lại được gấp gáp gom góp, gửi về. Trong mỗi món quà nhỏ bé ấy là cả một tấm lòng đau đáu hướng về quê cha đất tổ. Những chuyến hàng không chỉ tiếp sức vật chất, mà còn là lời nhắn gửi dẫu có ở nơi đâu, đồng bào vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Bà Cao Thị Lý, kiều bào tại Lào xúc động chia sẻ: "Dù ở đâu, quê hương vẫn trong tim mình. Giúp được một chút là thấy ấm lòng".
Chùa Phật Tích không chỉ là mái chùa linh thiêng giữa lòng Viêng Chăn, mà còn là “nhịp cầu văn hóa” để con em kiều bào và người Lào yêu mến văn hóa Việt học tiếng Việt, tìm hiểu cội nguồn, nuôi dưỡng lòng hiếu thảo, tình yêu quê hương và gắn kết với tình hữu nghị vĩ đại Việt Nam-Lào. Những lớp học, tiếng chuông ngân và buổi lễ sum họp nơi đây đã bền bỉ giữ gìn bản sắc dân tộc, làm sâu sắc thêm tình đoàn kết giữa các thế hệ và hai dân tộc anh em. Thượng tọa Thích Minh Quang, Trụ trì chùa Phật Tích nhấn mạnh, nhà chùa rất chú trọng đến ngôn ngữ để cho các thế hệ sau biết được nhiều tiếng Việt hơn, để hiểu được văn hóa Việt Nam hơn và đoàn kết với nhau hơn.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Đại sứ Việt Nam tại Lào đánh giá chùa Phật Tích đã có những đóng góp quan trọng không chỉ trong việc duy trì đời sống văn hóa – tinh thần của cộng đồng người Việt tại Lào, mà còn góp phần giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc Việt – Lào, vun đắp cho tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Thông qua các hoạt động nhân đạo, giáo dục, bảo tồn ngôn ngữ và phong tục truyền thống, chùa đã góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào./.