Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội với UBND tỉnh Ninh Thuận.
Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong những năm qua sự biến đổi khí hậu gây thời tiết cực đoan đã làm gia tăng tình trạng nắng nóng, hạn hán, mưa lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trong các năm 2004 và 2005 tại Ninh Thuận xảy ra trận hạn lịch sử, gây thiệt hại khoảng 165 tỉ đồng; từ năm 2014 đến năm 2016 hạn hán liên tiếp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, gây thiệt hại hơn 1.347 tỉ đồng. Riêng năm 2018 lũ lụt gây thiệt hại cho tỉnh 300 tỉ đồng.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết, từ năm 2009 đến nay tỉnh Ninh Thuận đã tham gia sáu điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và một hiệp định ký kết với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) nhằm triển khai các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, nhiều công trình được triển khai từ công tác phối hợp, tài trợ của các tổ chức quốc tế mang lại kết quả khả quan.
Điển hình là dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu”; mô hình thủy lâm kết hợp; mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu… đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân tỉnh Ninh Thuận.
Trong buổi làm việc với Đoàn công tác, UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành ở Trung ương quan tâm, thúc đẩy nhanh các thủ tục ký kết các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các dự án sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là dự án phát triển đô thị bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu do ADB tài trợ; dự án chống hạn, kè chống xói lở, ngập lụt - ứng phó với biến đổi khí hậu do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng kiến nghị sớm giải quyết các vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà tài trợ triển khai nhanh các dự án đầu tư, không để chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công; điều chỉnh các thủ tục đầu tư không cần thiết, rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục hành chính...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Ninh Thuận trong việc thực hiện các dự án liên quan đến các điều ước quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù địa phương còn nhiều khó khăn, chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt nhưng nhiều dự án được tỉnh thực hiện đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong việc phòng, chống biến đổi khí hậu.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng biến đổi khí hậu sẽ còn diễn biến phức tạp, do đó tỉnh Ninh Thuận cần tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án liên quan đến điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà tỉnh Ninh Thuận đang triển khai. Tỉnh cũng cần sớm có phương án tập trung nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa; hoàn thiện phương án thực hiện liên thông các hồ chứa; điều tiết nước, sử dụng hiệu quả nguồn nước gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; đồng thời tỉnh cần quan tâm phối hợp với các tỉnh bạn trong quản lý, phân phối nguồn nước từ các sông, suối ở thượng nguồn để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Ngoài ra, Ninh Thuận cũng cần huy động nguồn lực đầu tư sửa chữa hệ thống kênh mương, đê biển bị sạt lở; xây dựng cơ sở xử lý rác thải, nước thải tập trung để làm sạch vấn đề ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp cần tục nâng cao năng lực, dự báo tình hình biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó có hiệu quả.
Trưởng Đoàn công tác Nguyễn Sỹ Cương cho biết: Đối với những kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ tổng hợp, làm rõ nội dung liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại nhằm nhanh chóng giúp địa phương thực hiện nhanh và có hiệu quả các dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu theo các điều ước quốc tế./.
TTXVN/VNP