Văn hóa

Vui tết Chol Chnam Thmay

Từ bao năm qua, các hoạt động trong những ngày Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer được gắn liền với tinh thần tri ân công đức tổ tiên, gia đình sum họp đoàn viên. Các chùa Khmer ở gần các bản làng, phum sóc luôn là địa điểm chính diễn ra sự kiện văn hóa này.
Vài ngày trước khi diễn ra Tết Chol Chnam Thmay (Tết cổ truyền của đồng bào Khmer ở Nam bộ), đến các phum sóc của đồng bào Khmer sẽ dễ dàng nhận ra không khí chuẩn bị đón Tết của người dân nơi đây. Các gia đình bắt đầu lau dọn nhà cửa, sửa soạn lai bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật để chào đón năm mới. Đây cũng là lúc các gia đình đến chùa để lau chùi, sơn phết lại các tháp đựng tro cốt người thân đã mất, đồng thời phụ giúp các sư quét dọn, sửa sang một số hạng mục trong khuôn viên ngôi chùa.

Lễ rước đại lịch Maha Sangkran đánh dấu giây phút giao thừa, chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Một nghi lễ trong ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Lễ cổ Phật khất thực.

Nghi thức tụng kinh cầu phúc trong ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Tết Chol Chnam Thmay thường diễn ra vào các ngày 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch hằng năm (vào năm nhuận sẽ có thêm ngày 13/4). Trong những ngày Tết, người Khmer đến chùa cầu nguyện cho mọi người trong gia đình được an vui, mùa màng trong năm mới được tươi tốt bội thu và cũng là dịp để thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ.
Với đồng bào Khmer, các hoạt động vui chơi, nghi lễ tôn giáo trong những ngày Tết hầu hết đều diễn ra tại chùa. Ngôi chùa có một vị trí vô cùng thiêng liêng trong đời sống tinh thần Phật giáo của đồng bào Khmer, là nơi gắn kết tình cộng đồng, là nơi gắn bó với hầu hết mỗi người dân Khmer từ khi sinh ra, lớn lên trưởng thành cho đến khi mất đi.
 
Nhiều nghi lễ đặc trưng mang đậm tín ngưỡng văn hóa Phật giáo văn hóa của cộng đồng Khmer diễn ra vào dịp tết Chol Chnam Thmay như: Lễ rước Đại lịch Khmer vào chùa để mừng năm mới, lễ Khất thực đầu năm để cầu an, lễ Thuyết pháp, lễ Chúc phúc, lễ Tắm Phật… nhằm thế hiện tấm lòng hướng Phật của người Khmer cũng như các nhà sư chúc phúc đến người dân dịp năm mới. Ngoài ra, vào dịp này người Khmer còn có tục lệ đắp những ngôi “mộ cát”, “mộ gạo” tượng trưng đã được xây trong khuôn viên các ngôi chùa để vào ngày đầu năm mới mọi người đến cúng bái, cầu duyên và phúc lành.

Người dân gói bánh tét trong ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Người Khmer thực hiện nghi thức tắm Phật trong ngày Tết cổ truyền để cầu mong những điều tốt lành.

Đắp núi cát với mong ước tẩy trừ những điều xấu trong năm cũ và cầu mong những điều tốt lành trong năm mới.

Nghi lễ cầu siêu trong ngày Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay.

Bà con dân tộc Khmer thường tập trung đến chùa trong dịp Tết cổ truyền.

Ở Sóc Trăng có nhiều ngôi chùa Khmer nổi tiếng như: chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, chùa Kh’Leang, chùa Som Rong, chùa Bốn Mặt… vào dịp tết cổ truyền của đồng bào Khmer càng trở nên đông đúc, nhộn nhịp, thu hút người dân Khmer cũng như du khách gần xa tìm đến lễ Phật và tham quan.Cũng vào dịp tết Chol Chnam Thmay, tại các ngôi chùa sẽ diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí, các hoạt động mua bán, ẩm thực tổ chức trong khuôn viên chùa. Buổi tối thường tổ chức hoạt động biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân tộc. Các điệu múa, bài hát truyền thống của người Khmer như múa Rôbăm với những bộ trang phục đặc biệt cùng những chiếc mặt nạ độc đáo, hát Dù Kê, một loại hình sân khấu hát và múa của người Khmer, được các diễn viên tại địa phương biểu diễn rất đặc sắc, hấp dẫn người xem./.
 
Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh & Chanh Đa


Top