Tiêu điểm

Việt Nam - Nhật Bản tăng cường quan hệ đối tác chiến lược

Từ ngày 30/10 - 2/11/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chuyến thăm chính thức Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác kinh tế mang tầm chiến lược mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận...
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp kiến Nhật Hoàng Akihito; có cuộc hội đàm cởi mở, thắm tình hữu nghị với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda. Thủ tướng cũng đã gặp gỡ lãnh đạo các giới của Nhật Bản. Ngoài Tokyo, Thủ tướng đã đi thăm thành phố Natori, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa động đất sóng thần ngày 11/3/2011.

Lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân tại sân bay Haneda ở Thủ đô Tokyo. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Thủ tướng Yoshihiko Noda đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ra “Tuyên bố chung về triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Và nhất trí lấy năm 2013 là “Năm hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản” để kỉ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973 - 2013).
Hai bên cam kết, thỏa thuận hợp tác thúc đẩy thực hiện nhiều dự án lớn tại Việt Nam như: dự án sân bay quốc tế Long Thành, các dự án đường cao tốc, tàu điện ngầm, dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, hợp tác phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, xây dựng cảng nước sâu Lạch Huyện… Ngoài ra, hai bên cũng kí “Văn kiện xác nhận” cấp chính phủ về việc Nhật Bản hỗ trợ đào tạo, tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lí của Việt Nam theo khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA).
Hai Thủ tướng kí Tuyên bố chung. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Hai Thủ tướng chứng kiến Lễ kí về viện trợ ODA cho Việt Nam. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Thủ tướng tiếp kiến Nhật Hoàng Akihito. Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Thủ tướng chào xã giao Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Yokomichi Takahiro. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Nhân dịp này, chính phủ Nhật Bản cũng đã tuyên bố không áp dụng đoạn 255 trong Báo cáo của Ban công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam, đồng nghĩa với việc Nhật Bản công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản cũng cam kết tiếp tục duy trì ODA ở mức cao cho Việt Nam. Hai bên nhất trí phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu tăng ít nhất gấp đôi kim ngạch thương mại hai chiều hiện nay.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Hai bên hoan nghênh việc thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và kêu gọi thực hiện đầy đủ DOC và sớm xây dựng một Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành. Hai bên khẳng định tự do hàng hải, giao thương không bị cản trở, và tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình là phù hợp với lợi ích của các nước trong toàn khu vực. Hai bên cùng thừa nhận rằng những lợi ích này cũng cần được thúc đẩy và bảo vệ tại Biển Đông.

Thủ tướng đến thăm và đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng do động đất sóng thần tại thành phố Natori .
Ảnh: Đức Tám – TTXVN


Thủ tướng và Phu Nhân gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại trường đại học Tohoku.
Ảnh: Đức Tám – TTXVN

Thủ tướng thăm Đại sứ quán Việt Nam và bà con Việt kiều tại Nhật Bản. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Có thể nói, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là dấu mốc, động lực quan trọng thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước tiếp tục phát triển một cách toàn diện./.
TTXVN/VNP
 
 


Top