Đời sống Việt

Trẻ Dao Tiền chơi Tết

Mỗi năm, Tết đến, xuân về là dịp để người Dao Tiền ở Phiêng Luông (Mộc Châu - Sơn La) làm bánh nếp, xòe chuông, tổ chức lễ cầu mùa, tết nhảy lửa… nhưng vui nhộn và hào hứng nhất có lẽ là đám trẻ nhỏ.
Ngày Tết, trẻ em Dao Tiền được mặc trang phục truyền thống, được chơi các trò chơi dân gian gắn liền với quan niệm sinh tồn và phát triển của tộc người mình. Trẻ em Dao Tiền ở Phiêng Luông từ lúc mới chập chững biết đi đã theo chúng bạn đi chơi Tết. Sân nhà trưởng bản hay nơi rừng mận, rừng đào là địa điểm tụ họp vui chơi của chúng. Trẻ em không phân biệt lứa tuổi, chúng tự chia thành từng nhóm chơi các trò như: đi tìm quả đồi tốt, thi trèo cây, thi hái mận, thi nhảy xa, chơi rồng rắn… Cuộc chơi của lũ trẻ cứ thế diễn ra đầy hào hứng. Tiếng cười đùa, trêu chọc và tiếng hát của lũ trẻ vang khắp chốn rừng mận, rừng đào đang mùa nở hoa lộng lẫy giữa núi rừng.
 

Nụ cười rạng rỡ của trẻ Dao Tiền trong ngày Tết.


Ngày Tết trẻ Dao Tiền được mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất với nhiều họa tiết và đồ trang sức sặc sỡ.

Các bé gái chờ bắt những quả mận chín từ các bé trai đang trèo hái trên cây ném xuống.

Lũ trẻ chơi trò "rồng rắn lên mây".

Lũ trẻ chơi trò thi nhảy xa với ước mơ đi tìm vùng đất mới.

Chú bé người Dao Tiền đang được bố chỉnh lại chiếc mũ để chuẩn bị đi chơi Tết với chúng bạn.

Các trò chơi ngày Tết giúp trẻ rèn luyện sức khỏe và nhớ đến cội nguồn của tổ tiên.

Lũ trẻ chơi trò đuổi bắt trong rừng mận.

Dưới tán rừng đào, rừng mận, lũ trẻ chơi trò “đi tìm quả đồi tốt” bằng cách xếp hàng vừa đi vừa hát những câu đồng dao “Cút ca cút kít/ Làm ít ăn nhiều/ Nằm đâu ngủ đấy/ Nó lấy mất cưa/ Lấy gì mà kéo...” như để phê phán những kẻ lười lao động. Lũ trẻ cứ thế vừa đi vừa hát cho đến khi có đứa bị vấp ngã thì cả đoàn dừng lại rồi hô to: “Quả đồi tốt đây rồi!” và bắt đầu cuộc thi hái mận. Cuộc thi hái mận chỉ dành cho lũ con trai. Đứa nào nhanh và khỏe nhất, hái được nhiều mận nhất và quả to nhất thì thắng.
Ngày Tết, lũ trẻ Dao Tiền cũng thường hay chơi trò “thi nhảy xa”. Một trò chơi mô phỏng ước mơ của con người có thể nhảy từ quả núi này sang quả núi kia trong quá trình di cư đi tìm vùng đất tốt để sinh sống. Trên sân nhà trưởng bản, lũ trẻ say sưa thi nhau nhảy cho đến khi trời tối mới chịu chia tay nhau về nhà ăn cỗ Tết.
Ngày Tết, trẻ em trong bản cũng được ngồi một mâm riêng như người lớn. Chúng được ăn bánh nếp, thịt nướng, thịt chua nhưng không được uống rượu.
Trong tín ngưỡng của người Dao Tiền, đứa trẻ nào thắng cuộc trong các trò chơi, sang năm mới sẽ là người khỏe mạnh, đi được vạt nương xa, vào được tận rừng sâu và hái được nhiều mận phụ giúp bố mẹ làm giàu./.
Bài và ảnh: Thông Thiện

Bài và ảnh: Thông Thiện

SignUs – Hành trình kết nối không lời

SignUs – Hành trình kết nối không lời

Từ ý tưởng "bất chợt" trong khi học, nhóm sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện Đại học FPT đã biến cảm hứng thành “SignUs” – một hành trình nhân văn đầy cảm xúc mang thông điệp "Một ký hiệu, triệu kết nối". Dự án này không chỉ nâng cao nhận thức về ngôn ngữ ký hiệu mà còn tạo ra cây cầu vững chắc, kết nối người nghe với cộng đồng người Điếc.

Top