Nghề Việt

Tranh lá bồ đề

Cây bồ đề được xem là biểu tượng thiêng liêng của Phật giáo và được trồng rất nhiều ở Ninh Bình, như trồng dọc đường đi, tại các khu di tích lịch sử và các điểm du lịch tâm linh. Tận dụng thế mạnh vùng nguyên liệu, người dân xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn đã biến những chiếc lá bồ đề thành các sản phẩm nghệ thuật có ý nghĩa tâm linh: tranh lá bồ đề.
Những chiếc lá bồ đề có hình dáng đẹp được người hái chọn lựa để mang về làm tranh phải đạt tiêu chí: cân đối hai bên, lá khỏe có màu xanh thẫm, có râu lá thon dài. Sau khi hái trực tiếp từ cây bồ đề, lá được rửa sạch, ngâm nước vôi trong 60 ngày để lấy xương lá. Sau đó xương lá được chải sạch giữ lại đường gân rồi đem phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Sau khi phơi người thợ nhuộm màu và kết quả cuối cùng là được nghệ nhân sáng tạo nối, đính, ghép tạo thành các bức tranh theo từng chủ đề cuộc sống.


Chùa Bái Đính, một danh thắng tâm linh nổi tiếng của Ninh Bình luôn rợp mát màu xanh của những cây bồ đề cổ thụ. Ảnh: Công Đạt


Người dân xã Gia Sinh, Gia Viễn lựa hái những lá bồ đề cân đối. Ảnh: Thanh Giang


Chọn lựa những chiếc lá cứng, xanh thẫm có hình khối đẹp để làm nguyên liệu tranh là công việc hàng ngày của người dân Gia Viễn.
Ảnh: Thanh Giang


Lá sau khi hái được ngâm nước vôi trong. Ảnh: Thanh Giang


Người dân làm sạch các chi tiết nhỏ trên xương lá bồ đề một cách tỉ mẩn. Ảnh: Thanh Giang


Một chiếc lá bồ đề đã được làm sạch các chi tiết nhỏ với đường gân lá rõ ràng. Ảnh: Thanh Giang


Sau khi lá bồ đề được làm sạch rải lá bồ đề trên các nong tre để phơi khô dưới ánh nắng. Ảnh: Công Đạt


Nhuộm màu xương lá bồ đề tạo màu vàng tươi. Ảnh: Thanh Giang


Hàng trăm chiếc lá bồ đề được nhuộm màu thủ công đã hoàn thiện. Ảnh: Công Đạt


Các nghệ nhân của Showroom tranh lá bồ đề đang ghép nối từng chiếc lá bồ đề tạo hình cho các bức tranh. Ảnh: Thanh Giang


Gắn lá bồ đề lên cành cây khô, một chi tiết đang hoàn thiện cho bức tranh có tên Khát vọng. Ảnh: Công Đạt


Các màu sắc đa dạng của lá bồ đề như trắng, vàng, đỏ, cam chính là nguyên liệu tạo nên sự rực rỡ cho mỗi bức tranh. Ảnh: Công Đạt


Nghệ nhân Sơn Đỗ Quyên đang kết hợp lá bồ đề với vỏ cây cổ thụ để tạo hình dáng cho tranh. Ảnh: Thanh Giang


Vỏ cây khô là một nguyên liệu được nghệ nhân làm tranh lá bồ đề lượm lặt từ rừng, từ đó ghép cùng với lá bồ đề tạo thành cây có thế, có dáng đẹp.
Ảnh: Thanh Giang


Một góc các nguyên liệu làm nên bức tranh từ lá bồ đề. Ảnh: Thanh Giang


Gắn lá bồ đề lên từng mảnh vỏ cây cổ thụ rồi bố cục bức tranh một cách hài hòa. Ảnh: Thanh Giang

Để có được tác phẩm tranh lá bồ đề là cả một quy trình tỉ mỉ và tinh hoa của người làm tranh. Đặc biệt hơn người thợ làng tranh lá bồ đề đã tìm kiếm những nguyên liệu kết hợp như rơm khô, hoa tre, vỏ cây, gốc cây mục… để phối kết làm tranh mang hơi thở của tự nhiên. Sự kết hợp này đã mang lại sự đằm thắm và chiều sâu văn hóa cho từng bức tranh. Qua đó chúng ta cảm nhận được đời sống văn hóa của người Việt một cách đa dạng.

Tranh lá bồ đề là sản phẩm của HTX Sinh Dược, đã quy tụ nhiều nghệ nhân của huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình và tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Nghề làm tranh lá bồ đề cũng là một lĩnh vực được đưa vào tour du lịch khám phá vùng đất Gia Sinh, Gia Viễn của HTX Sinh Dược.
Showroom trưng bày hàng trăm bức tranh làm từ lá bồ đề của Sinh Dược Group thu hút nhiều du khách bốn phương đến đây trải nghiệm. Tác phẩm đại thụ trường sinh với hình ảnh gốc cây cổ thụ và hình ảnh đức phật ngồi dưới tán lá bồ đề vừa đẹp tuyệt mỹ vừa như tỏa sáng tâm phật giữa đời thường. Tác phẩm “Vịnh Hạ Long”  với thuyền và biển kết từ từng chiếc lá bồ đề đẹp lung linh trong nắng. Mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam là tác phẩm “Trống đồng Đông Sơn” kết từ hàng nghìn lá bồ đề tạo nên sự bề thế của lớp lớp văn hóa lịch sử Việt Nam.

Những tác phẩm trong showroom đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà thơ, nhà văn đến đây viết lên những lời hay ý đẹp. Nhà thơ Trần Anh Nhuận, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình viết: Gân lá bồ đề hàng trăm tuổi, chở diệp lục xanh đến tận mai sau”. Trên tranh lá bồ đề làm quà tặng còn được nghệ nhân thêu và vẽ những chữ như: nhẫn, phúc, tâm, bình an với lời thơ mộc mạc, sản phẩm rất được du khách bốn phương ưa chuộng.



Bức tranh “Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề” được tạo hình với hàng ngàn lá bồ đề kết hợp với vỏ cây cổ thụ . Ảnh: Công Đạt


Trong một bức tranh lá bồ đề có sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật: điêu khắc, vẽ tạo hình một cách tuyệt mỹ. Ảnh: Công Đạt


Bức tranh trống đồng Đông Sơn tạo hình từ lá bồ đề. Ảnh: Công Đạt


Bông hoa lá bồ đề thể hiện sự trong sáng, bình an, hướng thiện. Ảnh: Thanh Giang


Một bức tranh lá bồ đề để bàn. Ảnh: Thanh Giang


Bức tranh “Vịnh Hạ Long” được tạo hình từ lá bồ đề và những mảnh vỏ cây cổ thụ. Ảnh: Công Đạt


Một tuyệt tác từ lá bồ đề và những mảnh vỏ cây trăm tuổi. Ảnh: Công Đạt

Showroom Tranh lá bồ đề:
130 Đào Duy Từ, Thành phố Ninh Bình.
Tel: 0914868766
Anh Hoàng Thanh Phương (Phó Giám đốc Showroom Tranh lá Bồ đề làng Sinh Dược, xã Gia Sinh, Huyện Gia Viễn) cho biết, sẽ đưa nhiều loại hình mỹ thuật sáng tạo vào tranh lá bồ đề để tạo thành những bức tranh có sự chân thực về chiều sâu, thể hiện ý nghĩa và nét đẹp của vùng đất Phật giáo. Nghề làm tranh từ lá bồ đề cũng được Sinh Dược Group đưa vào tour du lịch văn hóa miền đất phật Ninh Bình và trưng bày tại các sự kiện văn hóa của quốc gia./.
 
Bài: Trần Vân
Ảnh: Thanh Giang, Công Đạt

Rau má Quảng Thọ - Điểm nhấn của nông nghiệp Quảng Điền

Rau má Quảng Thọ - Điểm nhấn của nông nghiệp Quảng Điền

Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình mà còn được biết đến rộng rãi với một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng: rau má. Nhờ sự nỗ lực không ngừng của Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2, cây rau má đã trở thành “đặc sản” địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần nâng cao đời sống người dân.

Top