Trà ướp hương xứ B’lao

Nghề Việt

Trà ướp hương xứ B’lao

Cây trà là một trong những loại cây công nghiệp quan trọng phát triển mạnh nhất vùng đất Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Cây trà không những đã giúp cho người dân có cuộc sống ổn định hơn mà còn tạo ra một nét văn hóa riêng cho vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió.

Cây trà là một trong những loại cây công nghiệp quan trọng phát triển mạnh nhất vùng đất Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Cây trà không những đã giúp cho người dân có cuộc sống ổn định hơn mà còn tạo ra một nét văn hóa riêng cho vùng đất cao nguyên đầy nắng và gió.

Nếu như ở phía Bắc cây trà được trồng nhiều ở các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Phú Thọ thì ở phương Nam vùng đất Lâm Đồng lại được mệnh danh là xứ sở của cây trà, với tên gọi trà B’lao. B’lao là tên gọi của vùng đất Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng. Cây trà đầu tiên xuất hiện ở Cầu Đất, Lâm Đồng vào năm 1927. Người Pháp thấy vùng đất này thích hợp với cây trà nên đã đem giống trà Bạch Mao trồng ở đây. Sau đó theo quá trình phát triển, cây trà có mặt ở Di Linh và Bảo Lộc vào những năm 1930. Cây trà làm quen với đất B’lao từ những đồn điền của người Pháp rồi sau đó là sự ra đời của các trang trại, rẫy trà của các hộ gia đình. 

 

Nhờ tiếng tăm đã được khẳng định của thương hiệu “Trà B’Lao” mà các danh trà sau này đều dùng thêm chữ Trà B’Lao trên sản phẩm của mình, như các thương hiệu Văn Hương- Làn Hương, Đỗ Hữu, Ngọc Trang… 

Trong số các danh trà có mặt tại đất Bảo Lộc, trà Văn Hương nổi tiếng từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, trà Văn Hương đã góp phần đặt nền móng đầu tiên và tạo tiếng vang cho sản phẩm trà hương truyền thống của vùng B’lao.

 

Trà B’lao phù hợp với thị hiếu của người Á Đông. Nếu trà Thái Nguyên không ướp hương thì trà B’lao nổi tiếng với những loại trà ướp hương cầu kỳ. Người dân sử dụng hoa sói, hoa sen và hoa nhài để ướp trà, hương của những loại hoa này quyện vào trà tạo nên những hương vị đặc biệt.      

Ướp hương cho trà là công đoạn rất kỳ công, trà ướp hương ngon nhất phải là loại trà Bạch Mao được hái theo tiêu chuẩn 1 búp 2 lá. Hoa dùng để ướp hương phải hái đúng thời điểm, đạt độ nở thích hợp, như hoa sói hái lúc sáng sớm, hoa nhài hái  buổi chiều để có được hàm lượng hương thơm cao nhất. 

Hoa sau khi hái được ướp với trà và ủ trong một thời gian thích hợp rồi mới đem đi sấy. Ngoài hoa, một số cơ sở còn ướp thêm thảo dược như cam thảo, quế, đại hồi, tiểu hồi, vừa tốt cho sức khỏe vừa giúp mùi hương thêm đậm và vị trà thêm ngon.  

 

Ngoài những danh trà đã được định danh từ lâu đời ở B’lao như trà ướp hương nhài, hương sen, hương hoa sói… bằng tình yêu và sự tâm huyết với cây trà những người con B’lao còn sáng tạo ra hương vị mới cho sản phẩm trà B’lao. Từ loại trà hương dứa bình dân ướp hương tổng hợp, qua nhiều năm nghiên cứu đã cho ra đời sản phẩm trà sâm dứa với nguyên liệu tự nhiên làm đa dạng sản phẩm trà ướp hương xứ B’lao. 

Gần 1.500 cơ sở sản xuất chế biến trà lớn nhỏ là con số thống kê ở "đô thị trà" Bảo Lộc. Trà B’Lao không chỉ còn là sản phẩm tiêu thụ trong nước mà đã tỏa hương ở nhiều thị trường trên thế giới./.

 

 

Bài và ảnh: Trần Thanh Giang

Bài và ảnh: Trần Thanh Giang

Rau má Quảng Thọ - Điểm nhấn của nông nghiệp Quảng Điền

Rau má Quảng Thọ - Điểm nhấn của nông nghiệp Quảng Điền

Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình mà còn được biết đến rộng rãi với một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng: rau má. Nhờ sự nỗ lực không ngừng của Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2, cây rau má đã trở thành “đặc sản” địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần nâng cao đời sống người dân.

Top