Văn hóa

Tôn vinh giá trị truyền thống phụ nữ Nam Bộ

Kể từ khi thành lập năm 1985 đến nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (202, Võ Thị Sáu, quận 3) đã trở thành điểm đến quen thuộc với phụ nữ trong nước và du khách quốc tế khi đến tham quan Tp. Hồ Chí Minh.
Tiền thân là Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ nguyên là dinh cơ của Nguyễn Ngọc Loan - Giám đốc Tổng Nha Cảnh sát chế độ Việt Nam Cộng hòa. Bảo tàng được thành lập nhằm tôn vinh giá trị truyền thống cùng quá trình đấu tranh của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Nam Bộ nói riêng, đồng thời tôn vinh phái đẹp với một số hiện vật là các trang phục cũng như trang sức của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Nhà truyền thống Phụ nữ Nam Bộ được khánh thành ngày 29/4/1985 nhân dịp kỷ niệm 10 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/2975 - 30/4/1985) với diện tích 200 mét vuông, gồm 6 phòng trưng bày chuyên đề. Chỉ chưa đầy một năm, nơi đây đã đón hơn 100.000 lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan, đặc biệt là khách ở các tỉnh, thành phía Nam. Tuy nhiên, do diện tích trưng bày còn khá nhỏ nên Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam Bộ chưa thể chuyển tải hết nội dung cũng như thể hiện được các mặt tiêu biểu, đặc thù của phụ nữ miền Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Sau một quá trình vận động sự ủng hộ tích cực từ các ban ngành, đoàn thể, các cá nhân, kiều bào…, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã được khánh thành vào ngày 18/5/1990 nhân dịp cả nước tưng bừng kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1990). Đây là một bảo tàng được xây dựng theo phương thức xã hội hóa đầu tiên của Việt Nam.
 

Tượng đài Mẹ miền Nam trong khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tôn vinh những giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Nam Bộ nói riêng.

«...
         Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ hiện quản lý 31.360 hiện vật với diện tích sử dụng 5.410,5m2. Trong đó có 30.431 hiện vật trong kho và 929 hiện vật đang trưng bày; 16.739 hiện vật thể khối và 14.621 phim, ảnh, tài liệu khoa học phụ các loại; gần 2/3 là hiện vật loại hình chiến tranh cách mạng với hơn 1/3 là hiện vật văn hóa bao gồm nhiều chất liệu.
Bước vào khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, ấn tượng đầu tiên là tượng đài Mẹ miền Nam bằng đồng cao 4,5m mang trên mình chiếc áo bà ba truyền thống với vẻ mặt hiền hậu mà kiên trung. Dưới chân tượng là tám chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” mà Đảng, Bác Hồ đã phong tặng phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến. Bên trong bảo tàng, các hiện vật được chia thành 24 bộ sưu tập theo chủ đề hoặc theo chất liệu, trong đó có 6 bộ sưu tập hiện vật quý hiếm. Hầu hết hiện vật của bảo tàng đều được bảo quản theo đúng hướng dẫn của Cục Di sản Văn hóa theo từng chất liệu với ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Ngoài ra, bảo tàng còn có thư viện lưu trữ trên 11.000 đầu sách chuyên đề về phụ nữ. Từ năm 1994, bảo tàng đã chú trọng sưu tầm tư liệu hiện vật về những đóng góp của phụ nữ miền Nam trong bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, đó là các hiện vật văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ hội, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, làng nghề truyền thống… Trong đó, vai trò người phụ nữ nổi bật lên trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng và trong đời sống gia đình. Bảo tàng dành riêng hai phòng trưng bày để tái hiện lại hoạt động của những phụ nữ mà tên tuổi đã đi vào lịch sử Việt Nam và thế giới như: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định...

Trong quá trình hoạt động, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã phối hợp với các bảo tàng trung ương, bảo tàng địa phương và các bảo tàng ở nước ngoài tiến hành trưng bày lưu động để đưa bảo tàng đến với công chúng trong cả nước. Trung bình mỗi năm tổ chức trưng bày lưu động từ 3 đến 5 cuộc, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách tham quan. Ngoài ra, bảo tàng còn sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, in ấn và xuất bản 30 đầu sách về phụ nữ miền Nam, như: “Phụ nữ Nam Bộ thành đồng” - tổng kết phong trào đấu tranh của phụ nữ Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến, “Di tích danh thắng Lịch sử Văn hóa Phụ nữ Việt Nam”, “Truyện tích huyền thoại Phụ nữ Việt Nam”…

Nhằm thu hút thế hệ trẻ ôn lại truyền thống, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp mặt giao lưu các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, phụ nữ tiêu biểu ở các tỉnh thành miền Nam, các nữ thanh niên xung phong… Đây còn là nơi diễn ra các cuộc sinh hoạt hè của học sinh, sinh viên, hội thi tìm hiểu truyền thống phụ nữ Việt Nam, hội thi nấu ăn của trẻ em khuyết tật, hội chợ hàng tiêu dùng cho phụ nữ. Đặc biệt, nhiều hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế cũng luôn được bảo tàng chú trọng như: đưa hiện vật đi trưng bày ở các nước Bỉ, Hà Lan; trưng bày búp bê truyền thống Nhật Bản…

Một số hình ảnh trưng bày trong bảo tàng phụ nữ Nam Bộ:


Trang phục Phụ nữ Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Nét đẹp trang phục phụ nữ Sa Đéc.

Tượng anh hùng Liệt sĩ Phan Thị Ràng (1937-1962).

Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu (1933-1952).

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 buộc Mỹ rời khỏi miền Nam Việt Nam.

Phụ nữ miền Nam Việt Nam xuống đường đấu tranh
đòi thả hết tù nhân chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Phụ nữ miền Nam Việt Nam biểu tình phản đối đế quốc Mỹ.

Hình ảnh các nữ liệt sĩ hy sinh trong lao tù.

Hình ảnh các nữ biệt động Sài Gòn tham gia Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Những nữ liệt sĩ hy sinh trong Mậu Thân 1968.

Các nữ tình báo viên, điệp báo viên.

Những hình ảnh đau thương, mất mát mà phụ nữ Việt Nam phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Sách và tạp chí viết chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam của bè bạn 5 châu.

Bà Nguyễn Thị Định - Phó Tổng Tư lệnh Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam
với các nữ anh hùng về dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam.

 Tái hiện lại làng nghề dệt chiếu, nét đẹp hồn quê Việt Nam.

Tái hiện lại làng nghề nhuộm vải của Việt Nam.

Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Gần 30 năm hoạt động đã qua, với những nỗ lực trong công tác giáo dục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ thực sự trở thành điểm đến, nơi họp mặt truyền thống, giao lưu, sinh hoạt văn hóa của các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Cũng tại nơi đây, hàng triệu lượt khách với hàng ngàn đoàn khách du lịch, đoàn lãnh đạo cao cấp trong nước, quốc tế đã đến tham quan và tham gia những hoạt động của bảo tàng. Trên hết, những phẩm giá truyền thống quý báu, cao đẹp mang đặc trưng của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Nam Bộ nói riêng đã, đang và luôn được gìn giữ, tôn vinh./.
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương


Top