Thời trang

Sức sống mới của cổ phục Việt

Khi nhắc tới trang phục truyền thống của Việt Nam, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến áo dài. Thế nhưng trong suốt chiều dài lịch sử, ở mỗi thời kỳ đất nước ta đều có loại trang phục riêng mang dấu ấn văn hóa của thời đại đó. Với sự quan tâm của nhiều bạn trẻ cùng sự phát triển của các bộ phim, dự án nghệ thuật lịch sử, những bộ cổ phục Việt đã trở lại với một đời sống mới trong xã hội hiện đại.
Hiện nay có rất nhiều các trang fanpage nghiên cứu và tái hiện những văn vật xưa của Việt Nam như Đại Việt Cổ Phong, Vietnam Center thu hút hàng chục ngàn lượt thích; group Hội Việt Phục có hơn 71.000 thành viên với nhiều bài chia sẻ kiến thức, thảo luận về cổ phục Việt…

Từ group Hội Việt Phục chúng tôi tìm đến cô gái 9x Nguyễn Ngọc Minh Châu là một trong nhà thiết kế trẻ của Việt Nam có niềm đam mê với cổ phục Việt có thương hiệu Gấu Béo Store trên đường Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tốt nghiệp chuyên ngành tự động hóa trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Hà Nội, nhưng từ khi còn là sinh viên Minh Châu đã mày mò sưu tầm trang phục cổ trang Trung Quốc, sau dần tìm hiểu mới biết lịch sử Việt Nam cũng có những trang phục rất riêng. Khi tìm hiểu và có kiến thức về những quy tắc cơ bản để không làm mất đi giá trị cổ phục Việt, Minh Châu bắt đầu may thử chiếc áo tấc thời Nguyễn hay còn gọi là áo ngũ thân tay rộng.


Nhà thiết kế Nguyễn Ngọc Minh Châu trong không gian làm việc của mình.


Các họa tiết trên trang phục được đính bằng tay.



Các cổ phục Việt của Nguyễn Ngọc Minh Châu thiết kế được các bạn trẻ cùng phụ huynh đón nhận.



Thợ may được nhà thiết kế Nguyễn Ngọc Minh Châu trao đổi cụ thể để có được những sản phẩm tốt nhất.

Ban đầu khi mới bắt đầu may, Minh Châu phải nhờ hướng dẫn của người ông có kinh nghiệm may lâu năm để bản vẽ khi đưa lên vải để may ra một chiếc áo để mặc sẽ như nào. Sau khi cắt may và sửa khá nhiều lần thì cuối cùng trong 3 tháng, Minh Châu cũng làm ra chiếc áo đầu tiên. Với thành công ban đầu và sự tìm hiểu kỹ càng về phom dáng của cổ phục, cô bắt đầu đi vào sản xuất những chiếc áo tấc và Nhật Bình để phục vụ nhu cầu sử dụng hiện nay của giới trẻ Việt trong các lễ hội, ngày Tết cổ truyền và cuộc sống thường ngày.

Nói về kỹ thuật may Minh Châu chia sẻ cũng không có gì khác may thông thường, chỉ là khi mình làm cái khuy thì phải chau chuốt và không bị to cho không lẫn sang khuy áo Trung Quốc. Áo muốn cổ đẹp thì phải may lộn hai lớp vào bên trong, cổ áo thường liền từ trước ra sau vai mà không có đường can nối nên thường rất khó cắt. Những áo cổ phục thường được làm nguyên liệu vải tơ, lụa, gấm xốp vì hầu hết đều là dáng suông chữ A, không nên dùng vải lụa bị rũ quá vì sẽ dễ bị cắt lệch cổ áo cũng như làm chỗ thân người mặc bị lùng bùng, không gọn gàng. Điểm đặc trưng của cổ phục Việt chính là cổ áo hình chữ nhật, hai vạt khi mặc sẽ khít vào nhau và có sự bố trí hoa văn ở cổ áo có đường viền, ở giữa có đường thủy ba và cúc phượng.

Để lưu giữ những giá trị của cổ phục Việt, các nhà thiết kế đến từ các thương hiệu đã phải trải qua nhiều giai đoạn công phu để hoàn thành sản phẩm một cách chỉn chu nhất. Có nhiều thương hiệu cũng cách tân về hoa văn cổ áo, đường đính khuy hay độ dài của áo nhưng về cơ bản vẫn giữ đúng giá trị của cổ phục Việt. Phong trào tìm hiểu và mặc những bộ cổ phục cũng được “bắt sóng” và lan tỏa rất nhanh bằng việc hiện nay các bạn trẻ Việt Nam hiện nay cũng đã quen thuộc hơn với những chiếc áo Nhật Bình, áo tấc, áo giao lĩnh… trong các lễ hội, ngày Tết cổ truyền và cuộc sống thường ngày./.


Một số sản phẩm cổ phục Việt của nhà thiết kế Nguyễn Minh Châu- Ảnh: Tư liệu.










Bài: Ngân Hà- Ảnh: Trần Thanh Giang & Tư liệu

Nhà thiết kế Nhật Thực tạo dấu ấn với các bộ sưu tập Quy

Nhà thiết kế Nhật Thực tạo dấu ấn với các bộ sưu tập Quy

Nằm trong chuỗi dự án thiết kế trang phục lấy cảm hứng từ Tứ linh là bốn loài linh thú lớn trong tín ngưỡng văn hóa các nước Đông Nam Á tượng trưng cho sự cát tường và điềm tốt lành là Long, Lân, Quy, Phượng. Sau thành công của show diễn năm 2021 với ý tưởng thiết kế từ Phượng hoàng, năm 2022 với nguồn cảm hứng sáng tạo từ Kỳ lân và năm 2023 để lại dấu ấn với những thiết kế lấy cảm hứng từ Rồng thì năm nay nhà thiết kế Nhật Thực cho ra mắt 3 bộ sưu tập được lấy ý tưởng từ loài Rùa.

Top