Kinh tế

Nơi đào tạo nguồn nhân lực của Vinatex

Với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực cốt lõi phục vụ cho ngành công nghiệp dệt, nhuộm theo chiến lược phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) nói riêng và ngành dệt may Việt Nam nói chung, Trường Cao đẳng Kinh Tế - Kỹ Thuật Vinatex Tp. Hồ Chí Minh đang có những bước tiến dài sau 36 năm hình thành và phát triển.
Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex Tp. Hồ Chí Minh tiền thân là Trường Công nhân Kỹ thuật may Thủ Đức, được thành lập vào tháng 10/1978 nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật ngành may mặc phía Nam.
 
Theo phó Hiệu trưởngHuỳnh Công Trí, trong những năm đầu thành lập đầy khó khăn, nhà trường phải mượn nhà dân làm cơ sở đào tạo với đội ngũ cán bộ, giáo viên chuyên môn đều là những người thợ giỏi đang làm việc tại các xí nghiệp may. Vượt lên hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn, Nhà trường đã đạt được thành công bước đầu là hoàn thành khóa đào tạo đầu tiên với 30 học viên nghề sửa chữa máy may công nghiệp.


Cơ sở 2 của Trường Cao đẳng Kinh Tế - Kỹ Thuật Vinatex Tp. Hồ Chí Minh tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
 

Khu ký túc xá khang trang hiện đại của trường ở cơ sở 2, tỉnh Đồng Nai.


Nhà trường liên kết với các đơn vị đào tạo nước ngoài để nâng cao trình độ cho sinh viên.


Trình diễn thời trang do các em sinh viên của trường thiết kế.


Ông Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh Tế - Kỹ Thuật Vinatex Tp. Hồ Chí Minh
tặng hoa cho thí sinh đạt giải nhất cuộc thi thiết kế thời trang năm 2014.

Hai mươi năm sau, năm 1998, trên khuôn viên 10.000m2, Nhà trường đã có một cơ sở vật chất đầy đủ trang thiết bị tiên tiến với chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên được nâng lên, đào tạo nhiều ngành nghề, đóng góp một phần yêu cầu phát triển ngành may lúc bấy giờ. Và Trường đã được nâng cấp đào tạo thành Trường Trung học Kỹ thuật may và Thời trang II. Đến năm 2009, Trường chính thức mang tên như hiện nay là Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex Tp. Hồ Chí Minh.

Thầy Hồ Ngọc Tiến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Nhà trường hiện có thế mạnh với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực dệt may và thời trang, cung cấp nguồn nhân lực cho các công ty sản xuất dệt may thời trang. Nhà trường cũng rất quan tâm đến nơi ăn chốn ở cho sinh viên khi các em được ở ký túc xá ngay trong khuôn viên cơ sở 2 của Trường ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Từ khu ăn ở, học tập đến thư viện, sân chơi thể thao đều được thiết kế tiện lợi cho các học sinh sinh hoạt, rèn luyện…

Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex Tp. Hồ Chí Minh hiện có quy mô đào tạo trên 8.000 học sinh, sinh viên chính quy từ hệ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề và trung cấp nghề; với 14 ngành nghề và 3.000 lượt đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn. Đặc biệt, với nhu cầu bức thiết về cán bộ kỹ thuật và quản lý ngành sợi, dệt nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhà trường đã khai giảng Khóa Cao đẳng Công nghệ sợi, dệt đầu tiên với 59 sinh viên vào tháng 10/2013 vừa qua và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các doanh nghiệp dệt may. Ngoài ra, trường cũng tổ chức nghiên cứu và thực nghiệm khoa học công nghệ phục vụ công tác giáo dục đào tạo và dịch vụ của ngành công nghiệp dệt may. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng ngắn hạn cho hàng ngàn học viên là cán bộ quản lý tại các công ty, xí nghiệp ngành dệt may ở khu vực phía Nam.

Tại lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập trường (14/10/1978 - 14/10/2013), ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatex đã nhấn mạnh, Vinatex sẽ tiếp tục mở ngành nhuộm hoàn tất để đào tạo đủ nguồn nhân lực cho toàn ngành dệt may, đảm bảo từ khâu trồng bông, kéo sợi, dệt, nhuộm hoàn tất và may mặc. Đây chính là nhiệm vụ nhằm đảm bảo các quy tắc xuất xứ có khuyến khích sử dụng nhiều nguyên liệu nội khối khi Việt Nam gia nhập TPP. Trước mắt, Nhà trường cần có giải pháp mang tính chiến lược ổn định lâu dài hợp tác với các doanh nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được thực hành trên máy móc thiết bị hiện đại nhất. Đặc biệt, Nhà trường cũng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp mời những sinh viên xuất sắc sau khi làm việc tại doanh nghiệp từ 4 đến 5 năm với vốn kiến thức thực tế quay về giảng dạy tại Trường.
 

Trường có thế mạnh là các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực dệt may và thời trang.


Sinh viên thực tập cắt, may thời trang.


Đào tạo công nhân kỹ thuật điện, điện tử. 


Thư viện của Trường.


Làm bài tập theo nhóm của sinh viên.


Sinh viên học thiết kế thời trang.


Giới thiệu quy trình may túi ngang.


Ngoài đào tạo và dịch vụ của ngành công nghiệp dệt may, sinh viên còn được đào tạo kỹ năng nghe, nói ngoại ngữ.


Trường Cao đẳng Kinh Tế - Kỹ Thuật Vinatex Tp. Hồ Chí Minh
hiện có quy mô đào tạo trên 8.000 học sinh, sinh viên chính quy từ hệ Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp.

Với việc cung cấp trên 30.000 lao động có trình độ chất lượng cao trong suốt 36 năm hoạt động đào tạo, đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành dệt may, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex Tp. Hồ Chí Minh xứng đáng là một địa chỉ đào tạo đáng tin cậy của Vinatex./.
 
Bài: Nguyễn Vũ Thành Đạt - Ảnh: Đặng Kim Phương

Làm lọ hoa, ấm chén thủ công- Phát triển kinh tế từ mô hình gia đình

Làm lọ hoa, ấm chén thủ công- Phát triển kinh tế từ mô hình gia đình

Làm gốm thủ công là nghề truyền thống của gia đình anh Đức Khoa, chị Vũ Hải. Họ đi lên từ sự tần tảo lao động và tiếp nối nghề Gốm của vùng đất Bát Tràng. Phát triển mô hình kinh tế gia đình từ làm Gốm thủ công sáng tạo những sản phẩm như lọ hoa, ấm chén.. là một hướng đi giúp sinh kế bền vững và tạo dựng thương hiệu cá nhân của người làm Gốm Việt Nam hôm nay.

Top