Người dân phường Phúc Tân di dời khỏi nhà khi nước lũ dâng cao

Hơn 20 năm kể từ năm 2003, người dân phường Phúc Tân nằm kế khu phố cổ quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội mới phải di dời ra khỏi nhà vì nước đã ngập trắng do mưa lũ.

Trong sáng và trưa ngày 11-9, mưa lớn tiếp tục dội xuống Hà Nội, trong đó có quận Hoàn Kiếm. Nhiều phường nằm ngoài đê của quận Hoàn Kiếm như Phúc Tân, Chương Dương nước đã ngập trắng. Trước đó, tối 10-9, UBND quận Hoàn Kiếm đã thông báo và vận động sơ tán hơn 250 hộ phường Phúc Tân; xác định số hộ khó khăn cần hỗ trợ nơi sơ tán là 17 hộ, trong đó, 15 hộ tự di chuyển và nhờ hỗ trợ di chuyển, 2 hộ đã di chuyển về địa điểm của phường tại 360 Phúc Tân.

Ngoài những hộ gia đình bị ngập sâu, một số hộ ở phía ngoài vẫn bám trụ, dùng bao cát và những tấm gỗ để chặn cửa, tạm thời mực nước chưa vào đến nhà. Theo ghi nhận, nhiều cửa hàng và nhà hàng phía mặt đường cũng đã sơ tán đồ đạc để tránh trường hợp nước lũ tiếp tục dâng cao. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước sông Hồng đang lên nhanh. Lúc 0 giờ ngày 11-9, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,54 m, trên báo động 2 là 0,04 m. Dự báo, mực nước sông Hồng tiếp tục lên. Đến 19 giờ ngày 11-9, trên sông Hồng tại Hà Nội là 10,75 m, trên báo động 2 là 0,25 m.

Các chuyên gia cảnh báo lũ trên sông đang lên cao gây ngập lụt, sạt lở đất ở vùng ven sông; nguy cơ mất an toàn đối với các tuyến đê thuộc các quận/huyện: Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh…

Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do lũ cấp 2. Lũ gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp ở một số khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại một số khu vực thuộc các quận/huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây, Thanh Trì, Gia Lâm, Long Biên, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Đông Anh…/.

Thực hiện: Công Đạt/Báo ảnh Việt Nam

Chùa Mét - ngôi cổ tự trên đất học Cổ Am

Chùa Mét - ngôi cổ tự trên "đất học" Cổ Am

Toạ lạc trên địa bàn xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, Chùa Mét được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI bởi tướng quân Trần Khắc Trang. Ngôi chùa này từng là nơi tu hành của nhiều nhà sư nổi tiếng (trong đó có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm) nên được coi là một trường học Phật giáo, một trung tâm văn hóa của vùng Cổ Am./.

Top