Hội chợ du lịch quốc tế – Điểm hẹn lý tưởng để các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác

Từ ngày 7-9/3, tại Trung tâm triển lãm Berlin (Đức) đã diễn ra Hội chợ du lịch quốc tế (ITB) lớn nhất thế giới với sự tham gia của Việt Nam. Đây là “điểm hẹn” lý tưởng để các doanh nghiệp du lịch và lữ hành Việt Nam kết nối lại với thị trường, các đối tác, du khách Đức nói riêng và du khách quốc tế nói chung sau gần 3 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19.
  Biểu tượng Chợ Bến thành và Văn Miếu tại gian hàng Việt Nam ở Hội chợ du lịch quốc tế Berlin. Ảnh: Phương Hoa - PV TTXVN tại Đức 
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, năm nay, với thông điệp “Sống trọn vẹn”, gian hàng của Việt Nam  mang đến nhiều nét đặc biệt và mới mẻ so hơn với những phiên bản trước đây. Trên diện tích rộng gần 450m2, 43 doanh nghiệp Việt Nam kết nối với nhau theo hành trình 3 miền Bắc – Trung – Nam, chào đón du khách bằng những sản phẩm, dịch vụ du lịch hấp dẫn, phù hợp với xu hướng thị trường trong bối cảnh mới. 
   Những công trình mang tính biểu tượng như Văn Miếu (Hà Nội), Chùa Cầu Hội An (Quảng Nam) và Chợ Bến Thành (Thành phố Hồ Chí Minh), đã chứng tỏ trên khắp mọi miền đất nước, Việt Nam sẵn sàng chào đón du khách quốc tế trở lại để trải nghiệm trọn vẹn một Việt Nam tràn đầy sức sống với thiên nhiên tươi đẹp và độc đáo, những bãi biển đầy nắng cùng một nền văn hóa phong phú đậm bản sắc. Những trải nghiệm khó quên tại mỗi vùng miền ở Việt Nam không chỉ làm hài lòng quý khách mà còn níu chân những người bạn quốc tế. 
        Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Đức, Vũ Quang Minh cho biết sau gần 3 năm đại dịch COVID-19, hội chợ du lịch quốc tế lớn nhất thế giới đã mở cửa trở lại và thật ấn tượng khi Việt Nam tham gia với một lực lượng đông đảo các công ty, doanh nghiệp lữ hành cũng như đại diện của Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng nhiều địa phương có các danh lam thắng cảnh tiêu biểu. 
   Cùng với những biểu tượng 3 miền, gian trưng bày của Việt Nam năm nay đặc biệt thu hút du khách và các đối tác quốc tế bằng một chương trình ca nhạc hoành tráng với những tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh cả thế giới vượt qua đại dịch COVID-19, đây là cơ hội để du lịch Việt Nam vươn lại ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam. Bày tỏ niềm tự hào với năng lực và sự cạnh tranh của Việt Nam, Đại sứ Vũ Quang Minh hy vọng năm 2023 sẽ mở ra một chương mới cho sự phát triển của du lịch, vốn là ngành đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Sự quan tâm ngày lớn của du khách quốc tế và châu Âu nói chung cũng như người dân Đức nói riêng đối với thị trường Việt Nam trong các cuộc trao đổi với doanh nghiệp từ Việt Nam là một minh chứng cho thấy sự chuẩn bị chu đáo và phấn khích để đón chào một năm du lịch thành công. 
        Trong khi đó, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam khẳng định trong những năm qua ngành du lịch Việt Nam có sự phát triển và tăng trưởng rất mạnh mẽ đặc biệt là lượng khách du lịch quốc tế đã đóng góp lớn vào GDP của đất nước. Ông cho biết ngay sau khi Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 nhiệm vụ đầu tiên mà chính phủ giao cho Bộ Thể thao Văn hoá và Du lịch là phục hồi du lịch. 
   Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin là một trong những sự kiện lớn nhất toàn cầu về du lịch và đây là một sân chơi cũng là một diễn đàn để các doanh nghiệp lữ hành gặp gỡ trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác. Đoàn Việt Nam tham dự sự kiện năm nay với quy mô lớn nhất từ trước đến nay càng minh chứng vị thế, vị trí và vai trò của ngành du lịch cũng như nỗ lực của các ban ngành trong việc khôi phục quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế. Sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp du lịch thể hiện sức mạnh tổng thể của du lịch Việt Nam, đồng thời tạo nên một hợp lực từ phía các doanh nghiệp, yếu tố quan trọng để vực dậy ngành du lịch, một ngành kinh tế quan trọng của đất nước. 
   Năm nay Việt Nam tham dự sự kiện quan trọng này cũng là một bước chạy đà để những năm sau ngành du lịch Việt Nam có thể triển khai lớn hơn để quảng bá được nhiều hơn đất nước con người văn hóa Việt Nam. Không chỉ thu hút khách du lịch, mà còn thu hút thêm nhiều các doanh nghiệp lớn tham dự sự kiện để cộng hưởng thêm nguồn lực cũng như là sức mạnh quảng bá cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới. 
        Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc sở Du lịch Thành phố Hồ Chí minh chia sẻ đến với hội chợ ITB Berlin năm nay, thành phố muốn giới thiệu sự trở lại của du lịch sau đại dịch COVID-19 và đây là lần đầu tiên sau gần 3 năm Thành phố Hồ Chí Minh quay lại giới thiệu quảng bá cho du lịch tại hội chợ Berlin. 
        Với mong muốn đầu tiên là giới thiệu với các đối tác về chủ trương, chính sách mới của ngành du lịch thành phố dành cho các đoàn lớn, những đối tác du lịch đến với thành phố. Ngoài việc có thêm các đối tác mới, thành phố muốn cập nhật những xu hướng mới về du lịch của thế giới thông qua cái hội chợ ITB. 
        Sau khi Việt Nam mở cửa trở lại vào tháng 3/2022, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước mở cửa lại và khôi phục du lịch. Những chính sách, kế hoạch thu hút du khách quốc tế đến với thành phố đã nhanh chóng mang lại hiệu quả . Lượng khách quốc tế tăng rất nhanh mặc dù chưa đạt được kỳ vọng nhưng trong năm 2022, lượng khách trong nước và quốc tế đến với thành phố vượt trên chỉ tiêu đề ra. Điều quan trọng là chất lượng về sản phẩm du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp cho doanh thu về du lịch của thành phố vượt kế hoạch năm, hơn 64%. Đây là kết quả rất là ấn tượng.
   Tham gia hội chợ ITB, các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ tập trung vào thị trường du lịch khách châu Âu mà còn hướng tới khách du lịch từ nhiều châu lục khác trên thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu năm 2023 đón từ 5 triệu đến 5,5 triệu khách quốc tế và đây là mục tiêu mà thành phố tin tưởng đạt được./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Có một Thành phố Hồ Chí Minh xanh bên sông Sài Gòn

Có một Thành phố Hồ Chí Minh xanh bên sông Sài Gòn

Trong lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn - Gia Định - Tp. Hồ Chí Minh luôn gắn liền với sông nước, đặc biệt là với con sông Sài Gòn chảy qua thành phố. Trên con sông ấy có bến Bình Đông, bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng ở trung tâm thành phố và hệ thống các kênh rạch chằng chịt… vươn đi khắp thành phố. Từ những năm 2000, Tp. Hồ Chí Minh bắt đầu quan tâm đến việc phát triển cảnh quan và đô thị ven sông. Theo đó, Thành phố đã triển khai các chương trình cải tạo sông và kênh rạch, tổ chức các cuộc thi quốc tế nhằm tìm kiếm ý tưởng về quy hoạch đô thị, mời các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện nhiều chương trình nghiên cứu khoa học về quy hoạch kiến trúc đô thị của Thành phố./.

Top