Nghệ thuật

Nghệ thuật từ những chiếc vỏ chai

Từ những vỏ chai phế liệu bỏ đi, vợ chồng chị Nguyễn Diệu Thúy ở Hà Nội đã biến chúng thành những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa mang giá trị kinh tế vừa thân thiện với môi trường.

Chúng tôi đến nhà vợ chồng chị Nguyễn Diệu Thúy ở phố Đặng Văn Ngữ (Hà Nội) vào ngày cuối tuần. Mặc dù bận rộn cho việc khai trương cửa hàng trưng bày sản phẩm ở phố Ngọc Hà, nhưng vợ chồng chị vẫn nhiệt tình chia sẻ với chúng tôi những câu chuyện thú vị quanh việc sáng tạo nghệ thuật từ những chiếc vỏ chai phế liệu.

Chị Nguyễn Diệu Thúy cho biết, ban đầu vợ chồng chị chỉ làm thử vài chiếc để trang trí trong nhà và dành tặng cho bạn bè. Một lần, chị đem những sản phẩm này tới hội chợ handmade của trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) để trưng bày cho vui nhưng không ngờ nó lại nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Vì thế chị nảy ra ý tưởng làm những sản phẩm nghệ thuật từ chai phế liệu để bán.

 


Chai lọ bỏ đi được vợ chồng chị Nguyễn Diệu Thúy
nhặt về để làm nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.



Chị Nguyễn Diệu Thúy đang trang trí những chiếc chai
tại xưởng sản xuất của hai vợ chồng ở phố Đặng Tiến Đông, Hà Nội.


Chị Thúy vẻ trang trí các hoa văn, họa tiết trên thân một chiếc vỏ chai.


Chai lọ phế liệu sau khi mài, cắt tạo hình được hai vợ chồng anh Tâm, chị Thúy tô màu,
vẽ các họa tiết trang trí để cho ra những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt.


Dụng cụ đơn giản gồm những chiếc bút lông và màu được dùng để vẽ.


Anh Tâm đang sắp đặt các sản phẩm để chuẩn bị khai trương gian hàng bán sản phẩm mới tại phố Ngọc Hà, Hà Nội.


Anh Đinh Thiên Tâm, chồng chị Thúy cho biết, để thực hiện được ý tưởng tái chế những vỏ chai phế liệu, việc đầu tiên là phải mài và cắt để tạo dáng cho sản phẩm. Công đoạn này rất quan trọng vì nó sẽ quyết định đến việc tô màu, vẽ họa tiết sau đó. Anh Tâm chia sẻ, thời gian đầu, khi mới bắt đầu mài, cắt không quen nên nhiều lúc bị thủy tinh cứa vào tay chảy máu, về sau anh chị đầu tư thêm máy móc nên việc cắt mài được rút ngắn lại thời gian cũng như việc tạo dáng cho sản phẩm được đa dạng hơn. Sau khi qua công đoạn mài cắt chai lọ, với năng khiếu về mỹ thuật được học khi còn là sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, vợ chồng anh dùng chất liệu màu kính để vẽ những gam màu, họa tiết như thiên nhiên, biển đảo, khẩu hiệu bảo vệ môi trường… tạo ra sự bắt mắt cho từng sản phẩm. Những sản phẩm đơn giản thì chỉ mất hơn một tiếng là hoàn thành, có những sản phẩm cầu kỳ phải mất 1-2 ngày mới xong.

Đến nay, sản phẩm của vợ chồng chị Thúy khá đa dạng như lọ hoa, cốc để nến, chậu cây cảnh, đèn trang trí… Hầu hết những sản phẩm này đều được người chơi dùng để trang trí trong nhà hoặc quán cà phê. Giá các sản phẩm dao động từ 50.000 đến 500.000 đồng.

Chị Nguyễn Diệu Thúy chia sẻ: “Chúng tôi làm việc này không chỉ vì mục đích kinh doanh mà còn hướng tới việc kêu gọi mọi người hãy chung tay hành động thiết thực hơn đối với việc bảo vệ môi trường”./.

 

Một số tác phẩm nghệ thuật làm từ chai lọ của vợ chồng chị Nguyễn Diệu Thúy:









 

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Việt Cường

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Sen trong tranh nhà giáo Thúy Hường

Với tình yêu dành cho hoa sen từ nhỏ cho đến khi là cô sinh viên khoa sư phạm mỹ thuật của trường đại học Sư phạm Hà Nội và giờ đang công tác trong lĩnh vực giáo dục, nhà giáo Thúy Hường đều đưa hình bóng của hoa sen vào trong mỗi sáng tác hội họa của mình.

Top