Ngô Thu Huyền với nỗ lực giữ gìn giấy Dó Việt Nam
Sinh ra ở giữa làng nghề giấy Dương Ổ (Bắc Ninh) và sống với ông bà từ nhỏ nên đã sớm được tiếp xúc với công việc làm giấy, sự kết nối và tình cảm với tờ giấy một cách tự nhiên đã khiến Ngô Thu Huyền nỗ lực tiếp nối giữ gìn sản phẩm giấy Dó khi mà thế hệ trẻ ở đây đang dần mất đi sự quan tâm tới nghề truyền thống.
Cô gái thuộc thế hệ 9x Ngô Thu Huyền cho biết từ nhỏ những trò chơi thơ bé của mình cũng xoay quanh tờ giấy, ông nội cho một cái khuôn nhỏ để nghịch ngợm chơi tráng giấy, hoặc phụ giúp ông bà các công việc nhỏ, đơn giản như phơi giấy, xếp giấy…
“Khi nhiều gia đình ở nơi đây đã từ bỏ nghề làm giấy thủ công và chuyển sang làm giấy công nghiệp, em nhận thấy đó là thử thách và cũng là cơ hội cho mình theo đuổi công việc này. Nếu không có những thế hệ sau tiếp nối thì nghề làm giấy truyền thống sẽ dần mai một và biến mất.”, Huyền chia sẻ.
Cây Dó giấy có tên khoa học là Rhamnoneuron balansae, thuộc họ Trầm Thymelaeaceae. Vỏ Dó được khai thác chủ yếu tại các vùng núi phía Bắc: Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên... Phải chọn những cây bánh tẻ, vừa đủ độ lớn khoảng 3-4 năm tuổi để bóc. Khi lấy về vỏ cây được lột sạch vỏ cứng bên ngoài rồi phơi cho thật khô.
Chia sẻ về công đoạn làm ra một tờ giấy Dó, Huyền cho biết trước khi đun nấu, vỏ Dó khô được ngâm trong nước làm mềm ra để dễ dàng xử lý. Sau 3 ngày ngâm nước, vỏ Dó đã mềm ra sẽ được lột từ gốc cho đến ngọn rồi buộc thành những bó nhỏ, giẫm qua nước vôi rồi xếp vào thùng nấu. Vỏ Dó đã chín mềm sẽ được vớt ra rửa sạch vôi hoàn toàn. Sau đó được nhặt qua 2 lần gọi là nhặt vỡ và được ngâm khoảng 2 ngày rồi nhặt xeo. Sau đó ngâm trong nước khoảng 7 đến 10 ngày, tùy theo thời tiết để bỏ hết nhựa cây và chất vôi rồi cho vào bể nghiền Hà Lan để nghiền nhỏ.
Công đoạn tráng giấy lại đóng vai trò quyết định tới hình thức của tờ giấy. Công đoạn này yêu cầu sự tập trung, khéo léo để có thể điều chỉnh khuôn tráng để tờ giấy được mịn màng, đều đặn và độ dày các tờ tương đương nhau, không bị chênh lệch quá nhiều. Giấy được tráng thành đống sẽ được đưa vào đốn ép kiệt nước để có thể bóc từng lớp. Sau đó đem phơi giấy tại nơi thoáng gió, tránh ánh nắng quá gay gắt vì sẽ làm giấy Dó bị co rúm. Giấy được can nhiều lớp trên tường hoặc các tấm gỗ phẳng để khi khô sẽ rất phẳng, mịn.
Chọn các tờ giấy đủ chất lượng, xếp đống và đếm giấy là những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm. Tùy theo điều kiện thời tiết, thời gian để làm từ vỏ cây ra tờ giấy Dó sẽ mất khoảng 1 đến 1,5 tháng.
Ngô Thu Huyền cho biết: “Ngày nay, tuy nhu cầu sử dụng giấy Dó không còn nhiều như trước nhưng nó vẫn có chỗ đứng trong các ngành nghệ thuật và thủ công – mỹ nghệ vì sự đặc biệt, khó có thể thay thế của nó. Giấy Dó có tính xốp, nhẹ, bền dai và lưu trữ được tới hàng trăm năm nên những từ giấy này bên tôi thường cung cấp để cho người ta sử dụng cho các loại tài liệu, sáng tác nghệ thuật cần lưu trữ lâu dài.”
Ngoài ra là thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thông, song song Huyền cho rằng để bảo tồn và phát huy nghề truyền thống thì tờ giấy Dó cần được nâng cao tính ứng dụng trong đời sống, bằng cách kết hợp cùng những yếu tố truyền thống và hiện đại khác để tạo nên những sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Vì vậy ngoài dòng giấy Dó truyền thống, cô gái 9x này còn làm ra thêm một số loại giấy khác như giấy Dó lụa chuyên dùng để phục chế tranh hoặc tài liệu cũ rách, giấy dành riêng cho in ấn việc in tranh, in postcard, menu, catalogue, giấy dành cho vẽ màu nước và viết Calligraphy hoặc dòng giấy có họa tiết dành cho các thiết kế sản phẩm.
Nói về việc giúp nhiều người biết đến nghề làm giấy Dó nhiều hơn, Ngô Thu Huyền chia sẻ: “Hiện tại, tôi đang tập trung làm việc và hợp tác cùng các nghệ sĩ, chuyên gia trong và ngoài nước để nghiên cứu cải thiện chất lượng giấy hoặc phát triển thêm các loại giấy đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, cũng tham gia hoặc tổ chức các sự kiện cộng đồng như hội chợ thủ công, triển lãm nghệ thuật, workshop làm giấy, talkshow,… để đưa tờ giấy thủ công đến gần cộng đồng hơn.”./.
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long/Báo ảnh Việt Nam và Tư liệu