Khám phá

Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai 2013

Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai 2013 diễn ra tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận là dịp để tôn vinh những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Raglai tới bạn bè trong nước và quốc tế. Ngày hội đã thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tới tham dự.
Đã rất lâu rồi, huyện Bác Ái ở vùng cao xa xôi này mới có những ngày rộn ràng và náo nhiệt. Mọi công việc như lên rẫy, lên rừng … đều được mọi người gác lại. Bà con gặp nhau đều nói về ngày hội, các con đường ở trong thôn được treo cờ Tổ Quốc đỏ rực và dòng người đổ về chật kín khu vực sân khấu trung tâm để khai hội.

Màn khai mạc “Ngày hội dân tộc Raglai 2013” thực sự khiến người xem hài lòng. Đó là một chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với hơn 500 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của các đoàn nghệ thuật đến từ 4 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Đêm hội Raglai là đêm hội tụ những giá trị độc đáo trong đời sống văn hóa của người Raglai với 3 phần chính là: tìm về cội nguồn, tình yêu làng Raglai và bình minh ở làng Raglai.
 

Khai mạc “Ngày hội dân tộc Raglai 2013” là đêm hội những giá trị độc đáo trong đời sống văn hóa của người Ralai.
 

Mỗi tiết mục, các nghệ nhân đều thể hiện rất độc đáo văn hóa của người Raglai như hát những bài hát dân ca của dân tộc mình.
 

Những ngày này mọi công việc lên rẫy, lên rừng đều được mọi người gác lại,
bà con gặp nhau để hát những bài hát dân ca của dân tộc mình, hát kể chuyện cổ, sử thi…

Trong mỗi tiết mục, các nghệ nhân đều thể hiện rất độc đáo những giá trị văn hóa của người Raglai như hát dân ca, hát kể chuyện cổ, sử thi và những trích đoạn sân khấu. Đặc biệt hơn cả là chương trình tái hiện các lễ hội văn hóa dân gian như lễ cưới, lễ ăn mừng lúa mới, lễ trưởng thành, lễ xuống giống, lễ cầu mưa...

«
   Dân tộc Raglai có dân số hơn 122.240 người, sống trải dài trên 450 km ở cuối dải Trường Sơn thuộc địa phận các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Người Raglai có một nền văn hóa hết sức độc đáo thể hiện ở tín ngưỡng, ngôn ngữ, y học, âm nhạc, nghề rèn và đặc biệt là nghề làm giấy... Huyện Bác Ái có dân số hơn 26.200 người trong đó dân tộc Raglai chiếm 95%.
                                 »
Các nghệ nhân Raglai cuốn hút người xem khi trình diễn các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình như: Tiếng kèn bàu Sarakel vang lên trầm hùng, tiếng sáo Talakung vi vu tuyệt diệu... Thông qua những màn trình diễn đó, khán giả như thấy cuộc sống của người Raglai trong suốt chiều dài lịch sử, đời sống văn hóa, bản sắc của người Raglai … được tái hiện lại chân thực.

Đêm hội ngộ đã đưa mọi người về với âm vang đại ngàn, được sống trong sử thi Raglai, hòa trong tiếng lòng của người Raglai qua tiếng đàn Chapi sâu lắng. Mọi người sum họp bên những ngôi nhà sàn cùng nhau uống rượu cần, đánh cồng chiêng, múa quanh cây nêu, hỏi thăm chúc sức khỏe nhau...Anh Katơk Cường, nhà ở xã Phước Thành, huyện Bác Ái cho biết: “Gia đình tôi thu xếp mọi công việc từ mấy ngày trước để được đi xem lễ hội, mọi người thích lắm vì đến đây được gặp lại bạn bè của mình và xem nhiều điệu múa của nguời Raglai”.

Đồng bào dân tộc Raglai đã cho khách thập phương thấy được văn hóa đặc sắc của người Raglai với những trò chơi dân gian như đi cà kheo, đẩy gậy...Những món ăn truyền thống như cơm lam, thịt heo xiên que hay cá nướng tre thể hiện văn hóa ẩm thực phong phú nhưng rất đượm chất núi rừng của người Raglai.

Đoàn du khách hơn 30 người đến từ nước Nga tham quan lễ hội đã rất tò mò và thú vị khi được chứng kiến tận mắt những cụ già người Raglai làm đàn Chapi. Đây là một nhạc cụ nổi tiếng đã trở thành cảm hứng để nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác bài tình ca nổi tiếng ”Giấc mơ Chapi”. Khung cảnh người nghệ nhân đứng trên nhà sàn biểu diễn đàn Chapi đã khiến những vị khách ngoại quốc nhún nhảy say mê theo những âm thanh trầm bổng của cây đàn.

Ngoài ra, người xem được chiêm ngưỡng sắc hoa trong trang phục của người Raglai với những bộ trang phục truyền thống mang những nét đặc trưng riêng ở mỗi địa phương đã được bảo tồn và gìn giữ qua thời gian.
 

Bếp lửa thể hiện sự ấm cúng, no đủ của người dân tộc Raglai.


Tiếng kèn bàu Sarakel vang lên trầm hùng như người Raglai.


Ẩm thực của dân tộc Raglai.


Làm đàn Chapi một bản sắc văn hóa của người Raglai.


Lịch sử, văn hóa bản sắc của người Raglai, tất cả được tái hiện chân thực không hề mất đi những nét riêng trong văn hóa Raglai.


Trưng bày, triển lãm văn hóa dân tộc Raglai.


 Những điệu múa tiếng kèn của bản sắc văn hóa dân tộc Raglai được biểu diễn cho bà con và du khách xem.


Du khách Nga thưởng thức ẩm thực của dân tộc Raglai.
 

Những cô gái Raglai với trang phục truyền thống.

Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, Pinăng Thị Thủy phấn khởi cho biết: “Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai 2013 sinh động như một tiếng chiêng vang xa để giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè thế giới về dân tộc Raglai nói riêng và huyện Bác Ái nói chung. Nhiều địa danh du lịch của huyện như thác Chapơr, suối Lạnh sẽ là điểm hẹn để du khách khám phá vùng đất mới mẻ này thông qua sự kiện này”./.
 
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Đặng Kim Phương

Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Đặng Kim Phương

Lễ mừng cơm mới của người Thái ở Mường Lát

Lễ mừng cơm mới của người Thái ở Mường Lát

Những lễ hội văn hóa của người Thái ở Mường Lát (Thanh Hóa) luôn gắn liền với nhịp sống lao động nông nghiệp. Một trong những lễ hội đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa và tâm linh chính là Lễ mừng cơm mới. Được tổ chức vào đúng mùa thu hoạch, Lễ mừng cơm mới là dịp để người Thái cảm ơn đất trời và tưởng nhớ, tri ân với những người đã khuất.

Top