Lễ mừng cơm mới của người Thái ở Mường Lát
Những lễ hội văn hóa của người Thái ở Mường Lát (Thanh Hóa) luôn gắn liền với nhịp sống lao động nông nghiệp. Một trong những lễ hội đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa và tâm linh chính là Lễ mừng cơm mới. Được tổ chức vào đúng mùa thu hoạch, Lễ mừng cơm mới là dịp để người Thái cảm ơn đất trời và tưởng nhớ, tri ân với những người đã khuất.
Đối với người Thái, Lễ mừng cơm mới là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đối với thiên nhiên đã mang lại mùa màng bội thu. Đặc biệt, thay vì tổ chức giỗ thường niên cho người đã khuất, đây là thời điểm trọng đại nhất để tưởng nhớ tổ tiên. Trong không gian thiêng liêng, họ khấn mời các bậc tiền nhân về tham dự bữa cơm mới, tạo nên mối dây gắn kết sâu sắc giữa quá khứ và hiện tại. Đây cũng là dịp để cả làng cùng tụ họp, chia sẻ niềm vui lao động, thắt chặt tình đoàn kết và giáo dục con cháu về giá trị truyền thống cũng như lòng biết ơn đối với tổ tiên và thiên nhiên.
Lễ mừng cơm mới thường được tổ chức thời điểm những bông lúa chín vàng rực rỡ trên nương (khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 hàng năm). Thời gian cụ thể sẽ được thầy cúng lựa chọn kỹ lưỡng, tránh trùng vào những ngày kiêng kỵ của mỗi gia đình. Trước ngày lễ, cả gia đình cùng nhau chuẩn bị những bông lúa tươi tốt nhất, những sản vật ngon nhất để dâng lên tổ tiên. Mỗi món ăn được chế biến cẩn thận, thể hiện tấm lòng thành kính. Không khí trong nhà tràn ngập tiếng cười nói, từ người già đến trẻ nhỏ đều tham gia một cách háo hức.
Trong ngày lễ, vai trò của thầy Mo (thầy cúng) vô cùng quan trọng. Ông là người đại diện cho cả gia đình, thực hiện nghi lễ kết nối giữa cộng đồng, thần linh và tổ tiên. Trong bài khấn trang nghiêm, thầy Mo gửi lời cảm tạ đất trời, cầu mong mưa thuận gió hòa, con cháu khỏe mạnh, gia đình bình an. Sau đó, ông thực hiện nghi thức vẩy nước cầu may cho các thành viên trong gia đình, biểu trưng cho sự thanh lọc và cầu mong khởi đầu thuận lợi.
Khi phần lễ kết thúc, mọi người quây quần bên mâm cơm mới, chia sẻ niềm vui và kể cho nhau nghe những câu chuyện đáng nhớ về ông bà tổ tiên, về mùa vụ vừa qua. Ông bà, cha mẹ cũng nhân dịp này truyền dạy cho con cháu những bài học quý giá về đạo đức, lòng biết ơn và giá trị của lao động. Bữa cơm ấm cúng đầu mùa là khoảng thời gian để mọi người thư giãn trong niềm hạnh phúc sum họp.
Sau khi phần lễ thiêng liêng do thầy cúng thực hiện kết thúc, không khí lễ hội chuyển sang phần hội rộn ràng và đầy màu sắc. Đây là thời điểm người Thái thể hiện niềm vui trong ngày hội qua những điệu múa, bài hát truyền thống. Những chàng trai, cô gái trong trang phục dân tộc rực rỡ cùng nhau hòa mình vào các điệu múa xòe, múa sạp. Tiếng khèn, tiếng trống vang vọng khắp bản, tạo nên một không gian tràn ngập âm thanh và sắc màu. Mọi người, từ già đến trẻ, đều say sưa trong điệu múa, khúc hát, tiếng cười nói giòn giã lan tỏa khắp bản làng.
Lễ mừng cơm mới không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết và tình yêu thương trong cộng đồng người Thái. Với họ, dù đi xa đến đâu, con cháu cũng cố gắng trở về đoàn tụ trong ngày lễ thiêng liêng này vì đây là dịp để mỗi người nhắc nhở bản thân về cội nguồn, về những giá trị cao đẹp được truyền từ đời này sang đời khác./.
- Bài và ảnh: Việt Cường/Báo ảnh Việt Nam