Đời sống Việt

Mùa Vu Lan báo hiếu

Lễ Vu Lan rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm không còn là ngày lễ riêng của Phật giáo mà là dịp để mỗi người dân Việt báo hiếu công ơn các bậc sinh thành.
Ngày rằm tháng bảy, ngoài việc thắp hương cúng gia tiên, cúng chúng sinh, người dân các nơi ở Việt Nam còn hành hương về các ngôi chùa tham gia vào các hoạt động của ngày lễ Vu Lan. Không chỉ có những người lớn tuổi dự lễ, tinh thần giáo dục lòng hiếu thảo, tôn sự trọng đạo mùa Vu Lan đã được mở rộng ra đến các bạn trẻ.

Ni sư Thích Nữ Tịnh Quán, Trụ trì chùa Đình Quán (Hà Nội) cho biết: “Mỗi năm số người hưởng ứng báo đáp cha mẹ trong hiện đời và trong quá khứ ngày càng nhiều hơn. Lễ Vu lan cũng phù hợp với tinh thần đạo hiếu của người dân Việt Nam là đề cao chữ hiếu, phù hợp với tinh thần của nhà Phật. Từ đó chương trình báo hiếu của nhà Phật trở thành một trong những chương trình chung của cộng đồng và của tất cả mọi người”.
 

Chùa Đình Quán (Quận Bắc Từ Liêm) là một trong nhiều nơi được các bạn trẻ Hà Nội hàng năm đến làm lễ Vu Lan báo hiếu.


Các bạn sinh viên đến tham gia làm lễ và phụ giúp những công việc của nhà chùa.
 

Những chiếc lá bồ đề bằng giấy được những người đến tham gia hành lễ
gửi gắm những tâm tư tình cảm đến các bậc sinh thành của mình.


Ngày lễ Vu Lan báo hiếu là ngày quan trọng với những người theo đạo Phật
để chứng tỏ sự thành kính biết ơn đến những đấng sinh thành.


Những bông hồng đỏ, trắng để cài lên ngực thể hiện sự biết ơn tưởng nhớ đến những đấng sinh thành,
hoa màu trắng thể hiện những người đã không còn mẹ.


  Một bạn trẻ chia sẻ cảm xúc của người con với cha mẹ và những công lao, sự hi sinh vô bờ bến của họ.


  Các bạn trẻ tham gia lễ xúc động khi nghe giảng về ý nghía công lao của những đấng sinh thành.
 

Những bông hoa được các bạn trẻ cài lên ngực những người lớn tuổi thể hiện sự báo hiếu, biết ơn và trân trọng.


Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình nhà Phật luôn được giáo huấn phải biết ơn và yêu thương những đấng sinh thành.
 

Những mâm lễ ngoài trời để cúng những vong linh lang thang, nghi lễ xá tội cho những linh hồn lầm lỡ.

Những người đến chùa dự lễ đều được cài lên ngực áo một bông hoa hồng nhỏ. Người còn mẹ được cài bông hồng đỏ, người không còn mẹ được cài bông hồng trắng để mọi người nhớ về người mẹ của mình. Việc làm này cũng hướng tới cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát và nhắc nhở những người may mắn còn cha mẹ thực hành sống thương yêu.

Vào ngày lễ Vu Lan, trước các ban điện thờ, các Phật tử thập phương tự tay thắp hương khấn nguyện cầu siêu cho ông bà Tổ tiên và cầu phúc cho cha mẹ, tự tay ghi và treo những lời chúc yêu thương đến cha mẹ và người thân lên cây bồ đề, thực hiện các nghi lễ như dâng hương với tấm lòng thành đến Đức Phật, phóng sinh tích đức để siêu độ vong linh, cầu Phật- cúng linh… Ngoài ra, các sư thầy sẽ thuyết giải về chữ “Hiếu”, để các Phật tử hành hương cảm nhận được hết ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan.

Bạn Nguyễn Quỳnh Trang, sinh viên trường đại học Ngoại Thương Hà Nội tâm sự: “Em cảm thấy rất buồn vì đã nhiều lần em làm bố mẹ phiền lòng. Hôm nay nghe các sư thầy giảng giải về đạo làm con em tự hứa với long mình phải luôn hiếu thảo để đền đáp công ơn sinh thành nuôi dưỡng của bố mẹ mình”.

Có thể nói, mùa Vu Lan báo hiếu hàng năm đã trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt, là dịp để mỗi người sống chậm lại, yêu thương và quan tâm nhiều hơn đến cha mẹ và những người thân xung quanh mình./.
Bài: Ngân Hà - Ảnh: Văn Quyền

Bài: Ngân Hà - Ảnh: Văn Quyền

SignUs – Hành trình kết nối không lời

SignUs – Hành trình kết nối không lời

Từ ý tưởng "bất chợt" trong khi học, nhóm sinh viên ngành Truyền thông Đa phương tiện Đại học FPT đã biến cảm hứng thành “SignUs” – một hành trình nhân văn đầy cảm xúc mang thông điệp "Một ký hiệu, triệu kết nối". Dự án này không chỉ nâng cao nhận thức về ngôn ngữ ký hiệu mà còn tạo ra cây cầu vững chắc, kết nối người nghe với cộng đồng người Điếc.

Top