Mặt nạ giấy bồi làng Hảo

Làng Ông Hảo (làng Hảo) thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên là ngôi làng có nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống hàng trăm năm tuổi. Trong những món đồ chơi truyền thống đó thì mặt nạ bằng giấy bồi luôn là món đồ chơi không thể thiếu được trong dịp Tết Trung thu.

Theo quan điểm của người Việt, Tết Trung thu (15/8 âm lịch hàng năm) là một dịp quan trọng của văn hóa Việt Nam. Tết Trung thu được tất cả trẻ con háo hức, mong ngóng bởi những món quà, món đồ để rước đèn trông trăng với đầy những niềm vui cùng bè bạn,…

Từ xưa, tất cả các món đồ chơi Tết trung thu cho trẻ nhỏ đều được tự làm thủ công với sự sáng tạo, khéo léo và tỉ mỉ. Những món đồ chơi bình dị đó lại khiến trẻ vô cùng vui sướng khi được người lớn hướng dẫn làm ra. Mặt nạ giấy bồi cũng được sáng tạo từ đó với rất nhiều khuôn mẫu là các nhân vật được trẻ em yêu thích.

Theo ông Vũ Huy Đông người đã có hơn 30 năm làm nghề đồ chơi truyền thống ở làng Hảo thì mặt nạ giấy bồi được làm từ giấy, hồ dán bột sắn, sơn màu tổng hợp và phơi khô. Sau khi có những khuôn mẫu giấy bồi thì nhờ vào sự tài hoa của người thợ đã vẽ nên những chiếc mặt nạ ấn tượng và ngộ nghĩnh sao cho phù hợp với trẻ nhỏ. Theo ông Đông công đoạn vẽ mặt nạ đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và có nhiều kinh nghiệm để cho những nét vẽ thể hiện rõ tính cách của nhân vật mình đang họa.

Trước Tết Trung thu khoảng 1 tháng là thời điểm “vào mùa” nhất của nghề làm đồ chơi truyền thống làng Hảo. Những chiếc mặt nạ giấy bồi nói riêng hay những đồ chơi truyền thống nói chung được bán đi khắp mọi nơi để phục vụ trẻ nhỏ vui Tết Trung thu truyền thống của người Việt./.

Thực hiện: Hoàng Tâm – Đức An

Tuồng Cổ Làng Thổ Hà: Di Sản Văn Hóa Nghệ Thuật Đặc Sắc

Tuồng Cổ Làng Thổ Hà: Di Sản Văn Hóa Nghệ Thuật Đặc Sắc

Làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, là một ngôi làng cổ nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng. Nơi đây không chỉ nổi bật với những nghề truyền thống như làm gốm, bánh đa nem, mì gạo, mà Thổ Hà còn là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, đặc biệt là nghệ thuật tuồng cổ. Với hàng trăm năm tồn tại, tuồng Thổ Hà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây./.

Top