Luật An ninh mạng mới được Quốc hội thông qua được người dân và cộng đồng các doanh nghiệp trong và nước ngoài quan tâm, nhất là các quy định liên quan đến trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng. Đồng thời, nhiều đại diện cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân đánh giá, Luật An ninh mạng sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và bảo vệ người dân khỏi các thông tin xấu, tin độc.
Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng
Cần khẳng định rằng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng, mà thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh… Luật An ninh mạng chỉ điều chỉnh nếu các dịch vụ trên không gian mạng do các doanh nghiệp này bị sử dụng vào mục đích vi phạm phạm luật.
Trong 7 quy định liên quan tới trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng, không có quy định nào liên quan tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động khởi nghiệp, nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất thiết bị của doanh nghiệp. Ngoại trừ việc phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Luật An ninh mạng được nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ sở pháp lý để tạo ra sân chơi rất bình đẳng. Không những vậy, nhiều đại diện doanh nghiệp viễn thông, dịch vụ mạng còn nhận định, doanh nghiệp cũng như khách hàng tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi luật An ninh mạng được ban hành.
Để đảm bảo tốt nhu cầu thông tin liên lạc của khách hàng,VinaPhone đã huy động mọi nguồn lực, kỹ thuật sẵn sàng đảm bảo an toàn thông tin phục vụ khách hàng. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN Thực hiện Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý thuê bao di động nhằm khắc phục các kẽ hở pháp lý, tăng tính hiệu quả và khả thi trong công tác quản lý thông tin thuê bao, từ giữa tháng 6/2017, Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT Vinaphone (Tập đoàn Bưu chính Viễn thông) triển khai việc chụp ảnh chủ thuê bao tại quầy khi đến đăng ký sim số điện thoại mới. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN VNPT VinaPhone đã cung cấp chính thức dịch vụ 4G tại 2 TP lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 11 tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN Nhân viên VinaPhone xử lý kỹ thuật tại trạm BTS 4G (Hà Nội). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN Tháng 3/2018, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức diễn tập về điều phối ứng cứu sự cố mạng máy tính khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APCERT). Tham gia có các đơn vị công nghệ thông tin và truyền thông trên cả nước cùng diễn tập quốc tế với khoảng 20 quốc gia trung khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về các biện pháp đối phó với xâm nhập dữ liệu trái phép bằng mã độc trên các thiết bị IoT (Internet kết nối vạn vật). Ảnh: Minh Quyết - TTXVN Khu công nghệ cao Tp Hồ Chí Minh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TL Báo ảnh Việt Nam Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, phấn đấu đến 2020, Việt Nam sẽ phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong ảnh: Vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam tại bãi phóng Kouru (Guyana - Nam Mỹ). Ảnh: Tư liệu |
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho biết: Từ khi internet có mặt ở Việt Nam, có nhiều vụ can thiệp, tấn công mạng vào các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, được gây ra bởi các "hacker" trong nước cũng như nước ngoài. Với các hành vi như vậy, pháp luật hiện hành thiếu các hành lang pháp lý. Sự ra đời của Luật An ninh mạng giúp xử lý các hành vi xâm nhập, tấn công mạng, bên cạnh đó ông Bình cho rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ hành lang pháp lý này.
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. |
Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ internet trong nước, khi các dữ liệu internet được lưu trữ tại Việt Nam, chi phí cho đường truyền sẽ được cắt giảm. Đối với các doanh nghiệp trong nước hoạt động thương mại, quảng cáo trên internet thông qua Facebook, Google, Youtube..., các doanh nghiệp nước ngoài sẽ phải san sẻ nghĩa vụ thuế.
Theo ông Lê Đăng Phong, Ban Khai thác mạng của Tổng Công ty Hạ tầng mạng VNPT-Net, với những quy định của Luật An ninh mạng, khách hàng trong nước sẽ được hưởng lợi khi doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật; đa dạng các loại hình cũng như nâng cao chất lượng các dịch vụ trên không gian mạng.
Luật giúp người dân yên tâm hoạt động trên không gian mạng
Hiện nay, dữ liệu người dùng ở Việt Nam trên mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan, với mục đích lợi nhuận mà nhà nước chưa có đủ hành lang pháp lý để quản lý. Thậm chí, dữ liệu đã bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật. Vì vậy, để quản lý chặt chẽ, bảo vệ nghiêm ngặt dữ liệu của Việt Nam trên mạng, Luật quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên không gian mạng có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người dùng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Các chuyên gia nhận định, quy định này phù hợp với pháp luật trong nước, thông lệ quốc tế, không trái với các điều ước mà Việt Nam tham gia và cũng không cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện khoa học cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân phân tích, theo thống kê, hiện đã có 18 quốc gia trên thế giới quy định phải lưu trữ dữ liệu ở trong nước, trong đó có các quốc gia như Mỹ, Liên bang Nga, Trung Quốc,... Về văn phòng đại diện, theo quy định của pháp luật, các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam. Hiện Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới.
72% dân số Việt Nam đang dùng điện thoại thông minh, 68% người Việt cho biết lên mạng bằng điện thoại nhiều hơn cả máy tính, 68% người Việt xem video và nghe nhạc mỗi ngày trên thiết bị di động và đáng chú ý hơn, tỷ lệ sở hữu máy trung bình là 1,7 máy/người, nghĩa là có nhiều người dùng cùng lúc tới 2 máy điện thoại. Đây chính là một vài con số đáng chú ý về thị trường sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 do Appota phát hành. Ảnh: TL Báo ảnh Việt Nam Khách hàng đặt mua các món quà vặt Việt trên online. Ảnh: TL Báo ảnh Việt Nam 15 dòng điện thoại thông minh ở Việt Nam có thể quét mã vạch, truy xuất nguồn gốc khi khách hàng mua hàng online. Ảnh: TL Báo ảnh Việt Nam Du khách nước ngoài cùng nhóm bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm tại Chương trình Happy Colour Run 2016 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Ảnh: TL Báo ảnh Việt Nam |
Ngoài ra, quy định này không yêu cầu lưu trữ toàn bộ dữ liệu có liên quan tới Việt Nam trên không gian mạng, không yêu cầu lưu trữ dữ liệu nền tảng (platform), mà chỉ yêu cầu lưu trữ đối với một số loại dữ liệu cụ thể, liên quan tới bí mật cá nhân trong trường hợp cần thiết và các dữ liệu liên quan tới an ninh quốc gia, vì đây là tài sản của công dân, tài sản của quốc gia cần được quản lý, bảo vệ.
Về đối tượng áp dụng, quy định không áp dụng đối với toàn bộ các cơ quan, tổ chức hoạt động trên không gian mạng Việt Nam, chỉ áp dụng đối với một số cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ mà bị sử dụng, lợi dụng hoặc có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng đánh giá, quy định này là cần thiết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Dẫn chứng việc thời gian qua, Facebook đã cung cấp cho Công ty Cambridge Analytica dữ liệu của 87 triệu người dùng, trong đó có gần 500 nghìn dữ liệu người dùng tại Việt Nam để phục vụ mục đích chính trị, ông Nguyễn Thanh Hồng chỉ rõ cần có giải pháp phòng ngừa nhằm tránh việc một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, sử dụng thông tin của cá nhân nhằm mục đích không hợp pháp, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, Luật quy định cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản. Với quy định này, nhiều người lo ngại sẽ bị lộ lọt thông tin cá nhân. Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức khẳng định sẽ không bao giờ xảy ra việc lộ lọt thông tin người dùng. Thực tế từ khi ra đời đến nay, các lực lượng chuyên trách của Bộ Công an luôn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, bao gồm từ quản lý cư trú, căn cước lai lịch công dân; giao thông; kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh, trật tự; xuất nhập cảnh;... chưa bao giờ có sự lộ lọt thông tin. “Việc bảo đảm bí mật tuyệt đối thông tin các nhân của công dân vừa là trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ pháp lý; nếu để lọt, lộ sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh./.
Trong năm 2017 Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng, gồm khoảng 3.000 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 6.500 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại (Malware) và 4.500 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface). Trong 5 tháng đầu năm 2018 đã ghi nhận 4.035 sự cố tấn công mạng vào Việt Nam, riêng tháng 2 và 3 có tới hơn 1.500 vụ tấn công mạng. Lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng, khoảng hơn 300%/năm khiến nguy cơ an toàn thông tin mạng đang gia tăng nhanh chóng khi Việt Nam bước vào Cách mạng công nghiệp 4.0.
(Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) - Bộ Thông tin và Truyền thông)
|
VNP/TTXVN