Ngay khi cơn mưa đầu mùa vừa dứt là chúng tôi vội vã lên ghe, anh Trung Điền, người đưa chúng tôi ra đáy hàng khơi nói: “Tùy theo con nước nhưng hôm nay phải ra sớm lúc 23:30 để tránh bị mắc cạn.”
Trời tối như mực, mưa rơi lác đác nhưng vẫn nặng hạt, thỉnh thoảng những tia chớp bùng lên đỏ rực cả chân trời, chiếc ghe chầm chậm men theo cửa Động Cao, xã Đông Hải, tỉnh Trà Vinh ra khơi. Theo anh Dương Minh Kiên, là bạn chòi (người làm đáy), phải dùng một cây sào tre dài khoảng 5m dò dẫm từng sải một để tránh mắc cạn. Sau gần 2 tiếng lênh đênh, cuối cùng chúng tôi cũng đến hàng đáy rồi thả neo nghỉ ngơi chờ trời sáng.Cách bờ khoảng 12 hải lý, đây là khu vực có hàng chục đáy rải rác trong bán kính khoảng 1 hải lý, đáy là những cọc gỗ cao được đóng hàng ngang xuống biển, giăng chằng lại với nhau bằng những sợi dây thừng chắc chắn. Khoảng cách giữa hai trụ là một miệng đáy, gọi là khẩu, đan bằng lưới dày được thả xuống biển, phần cuối miệng lưới là túi đáy, nằm sâu dưới nước để đón luồng tôm cá di chuyển theo thủy triều. Mỗi hàng đáy có từ 9 đến 12 khẩu, giữa các khẩu là một căn chòi nhỏ lợp tranh để bạn chòi tạm trú và là nơi cất giữ gạo, nước, mắm, muối.
Khi con nước ròng, bạn chòi bắt đầu bỏ đáy và chờ đợi, sau 6 – 7 tiếng khi nước lên thì kéo đáy để thu hoạch, tỷ lệ ăn chia với chủ đáy (bạn ghe) là làm 7 đáy thì hưởng 2.Có hai mùa làm đáy: mùa nam (từ tháng 3 đến tháng 6) và mùa chướng (từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch), mỗi con nước làm 10 ngày, một tháng có thể làm 20 ngày, thu nhập bình quân 9-10 triệu, tuy nhiên những năm gần đây số người làm nghề ngày càng giảm do lượng ghe tàu đánh bắt quá nhiều khiến ngư trường cạn kiệt.
Ông Nguyễn Văn Hùng, 57 tuổi, người có thâm niên 35 năm nghề đóng đáy tâm sự; dù đôi khi cảm thấy mệt mỏi nhưng ở nhà lâu thì lại nhớ biển, nhớ từng con sóng, bên cạnh đó mối giao tình với bạn ghe bao nhiêu năm cũng làm ông gắn bó với nghề nhiều hơn. Tại nơi khai sinh nghề đóng đáy hàng khơi là thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, người ta vẫn nói: “bạn ghe đặt cược với đại dương bằng cả gia sản còn bạn chòi thì bằng chính cuộc sống của họ.”