Làng Tương Bình Hiệp – cái nôi nghề sơn mài Bình Dương

Tiềm năng địa phương

Làng Tương Bình Hiệp – cái nôi nghề sơn mài Bình Dương

Nhắc đến các nghề thủ công truyền thống trên đất Bình Dương không thể thiếu làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ở phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một. Đây là làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, được kế thừa và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Nhắc đến các nghề thủ công truyền thống trên đất Bình Dương không thể thiếu làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp ở phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một. Đây là làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm, được kế thừa và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp ở Bình Dương từ nhiều thế kỷ nay đã nổi tiếng khắp nước và là chiếc nôi của ngành sơn mài mỹ thuật.

Nghề làm tranh sơn mài do cư dân miền Bắc và miền Trung mang đến vùng đất này vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Những ngày đầu đến vùng đất mới khai hoang, tạo lập cuộc sống mới, những người dân xa xứ vẫn đau đáu trong lòng hình bóng quê hương. Vì thế, họ đã tái hiện lại những hình ảnh quê hương qua những bức tranh để nguôi đi phần nào nỗi nhớ ấy. Kết hợp với những giá trị văn hóa địa phương khi đến đây sinh sống, những người thợ vẽ tranh sơn mài đã tạo ra những sản phẩm mang phong cách đặc trưng riêng, đó chính là sơn mài Tương Bình Hiệp.

Để làm thành một tác phẩm sơn mài là cả một quá trình đòi hỏi nhiều kinh nghiệm của người thợ. Tùy vào loại sản phẩm mà cốt sẽ được tạo bằng những chất liệu khác nhau, như gỗ dùng làm bàn ghế, tủ, bình; ván ép dùng làm tranh, hộp; gốm dùng làm bình, tượng; vải hay giấy dùng làm cốt cho những sản phẩm có kiểu dáng nhẹ, mỏng như bát đĩa, độc bình. Vì là một chủng loại khá đặc biệt, sơn mài có thể phân thành nhiều thể loại khác nhau như: sơn lộng, sơn mài vẽ lặn, vẽ phẳng, vẽ nổi, thếp vàng bạc, sơn mài cẩn ốc, cẩn trứng, sơn khắc…


Sau công đoạn phất vải, thông thường người thợ phải qua 5 công đoạn sơn là sơn bóng, sơn nam, sơn lót, sơn quang thọ, sơn quang… Sơn có thể từ 16 đến 30 lớp tùy vào sản phẩm là tranh khổ lớn, khổ nhỏ, cẩn ốc, cẩn trứng, dát vàng, dát bạc hay là một loại đồ mỹ nghệ cụ thể. Nếu trước đây người thợ phải mài sau mỗi lớp thì ngày nay họ đã có cải tiến, chỉ mài sau khi hoàn tất xong từng công đoạn, tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian mà vẫn đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật tạo tác.

Để tạo nên một tác phẩm sơn mài sản xuất theo kiểu cổ truyền thường phải trải qua 25 công đoạn khắt khe, đòi hỏi mất nhiều công sức và thời gian. Có công đoạn phải làm đi làm lại tới 6 lần mới đạt yêu cầu như công đoạn hom, sơn lót. Riêng công đoạn sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 - 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Nét đẹp truyền thống của sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn được duy trì qua nhiều thế hệ chính là sự tinh xảo. Mỗi sản phẩm làm ra đều toát lên được sự sắc sảo thanh thoát trong mỗi chi tiết, đường vẽ, đường mài.

Đồ gia dụng sơn mài được khách hàng rất ưa chuộng vì có độ tinh xảo cao.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Sự phát triển rực rỡ về mọi mặt của sơn mài Tương Bình Hiệp trong những năm gần đây không chỉ là niềm tự hào của một làng nghề mà còn là di sản văn hóa đáng trân trọng của cả dân tộc./



 Bài và ảnh: Thông Hải/Báo ảnh Việt Nam


Top