Hiệu quả kinh tế từ mô hình chuyên canh trồng nha đam ở Ninh Thuận

Tiềm năng địa phương

Hiệu quả kinh tế từ mô hình chuyên canh trồng nha đam ở Ninh Thuận

Bên cạnh cây nho, măng tây xanh, táo, thì nha đam cũng được xem là những giống cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận với các đặc tính sinh trưởng tự nhiên phù hợp với vùng đất nắng, gió cùng khí hậu khắc nghiệt ở địa phương duyên hải Nam Trung bộ này.

Bên cạnh cây nho, măng tây xanh, táo, thì nha đam cũng được xem là những giống cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận với các đặc tính sinh trưởng tự nhiên phù hợp với vùng đất nắng, gió cùng khí hậu khắc nghiệt ở địa phương duyên hải Nam Trung bộ này.


Nha đam còn có tên khác là lô hội, là loại cây trồng cạn, rất phù hợp với vùng đất cát và cát pha ven biển có nhiều nắng như ở Ninh Thuận. Nhờ kháng bệnh tốt, nên trong quá trình chăm sóc, nông dân không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật, chỉ cần làm cỏ, tưới nước và bón phân là đủ, chi phí đầu tư thấp.

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 333 ha nha đam. Diện tích tập trung chủ yếu ở thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Phước. Cây trồng này đã giúp nhiều nông dân địa phương thoát nghèo vươn lên khấm khá và được xác định là cây trồng hiệu quả trên vùng nắng gió này.


Gia đình anh Lê Văn Nin ở phường Văn Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm chuyên canh cây nha đam từ 6 năm qua. Vườn nha đam rộng 1 ha của gia đình anh đều đặn cho thu hoạch mỗi tháng một lần, với trung bình mỗi năm thu hoạch 12 lứa với sản lượng trên 500 tấn. Anh Nin cho biết, với giá bán bẹ nha đam tươi dao động từ 2.200 – 2.800 đồng/kg, riêng đối với bẹ nha đam hàng tuyển loại to, đều thì có giá bán tươi lên tới 3.000 đồng/kg, giá tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2022, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định cho nông dân.

Theo quy hoạch của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030, diện tích cây nha đam của tỉnh sẽ đạt trên 500 ha. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, ngành nông nghiệp địa phương còn phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ thuật tăng năng suất, đồng thời đẩy mạnh hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm.

 

Đặc biệt, tại địa phương có công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm) là doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu nha đam. Doanh nghiệp này đã khai thác hiệu quả và nâng tầm giá trị cây nha đam với vùng nguyên liệu nha đam hơn 200ha đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và nhà máy chế biến nha đam lớn nhất Việt Nam đặt tại Khu công nghiệp Thành Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm, đã đầu tư dây chuyền và công nghệ sản xuất hiện đại đạt chuẩn quốc tế FSSC 22000, công suất đạt trên 120 tấn nguyên liệu mỗi ngày. Sản phẩm của VietFarm đã có mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới và là đối tác tin cậy, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn như Vinamilk, Nitifood…/.


Sản phẩm của Công ty cổ phần thực phẩm Cánh đồng Việt đã có mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới
và là đối tác tin cậy, cung cấp nguyên liệu cho các tập đoàn như Vinamilk, Nitifood… Ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Công Đạt/ Báo ảnh Việt Nam

Bài: Sơn Nghĩa - ảnh: Công Đạt

                                  Đặc sắc dòng gốm Biên Hòa

Đặc sắc dòng gốm Biên Hòa

Làng gốm Biên Hòa nằm ven sông Đồng Nai thơ mộng với hơn 300 năm tuổi, nổi tiếng với 2 làng gốm lớn nhất đó là làng gốm Tân Vạn và cụm gốm Trường Mỹ thuật thực hành Biên Hòa đến này vẫn còn tồn tại và phát triển hưng thịnh. Chính nơi đây là nơi bắt nguồn của các làng gốm phương Nam nổi tiếng như gốm Bình Dương, gốm Thủ Đức…

Top