Sôi nổi và hào hứng, thu hút đông đảo lượng người dân và du khách quan tâm, Giải đua ghe Ngo Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ V năm 2022 được diễn ra trong 2 ngày 7 và 8/11 trên sông Maspero (thành phố Sóc Trăng) trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa Thể thao Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII tại Sóc Trăng chính thức diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/11/2022.
Đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều nghi thức như: thả đèn nước, đèn trời, đua ghe Ngo trên sông… Qua đó, đồng bào Khmer muốn bày tỏ lòng tri ân của mình đối với thần nước, thần đất và cầu xin sự tha thứ của các vị thần về những hành động của con người đã làm tổn hại đến đất, nước và môi trường…
Người Khmer quan niệm nước có vai trò đặc biệt quan trọng với đời sống con người. Sau một năm gieo trồng và khai thác đất đai, con người đã làm ảnh hưởng đến môi sinh nên phải cúng tạ tội với thiên nhiên. Ngoài các nghi thức được cử hành cùng với các tiết mục múa Rom vong, Rom kbách, Sava vanh... thì đua ghe Ngo là môn thể thao được tổ chức với ý nghĩa đưa nước ra biển cả, trả nước về cho thần rắn Naya.
Giải năm nay có 54 đội ghe Ngo tham dự (với khoảng 6.000 vận động viên tham gia thi đấu), đến từ 7 tỉnh là Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và chủ nhà Sóc Trăng, trong đó, có 9 đội ghe Ngo nữ và 45 đội ghe Ngo nam, Giải đua ghe năm này đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) trao bằng xác lập kỷ lục “Lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo Sóc Trăng có số lượng ghe Ngo và vận động viên đông nhất”.
Sau 2 ngày thi đấu của giải, đã có 115 trận (cặp đấu) tranh tài quyết liệt, vô cùng hào hứng của các đội ghe Ngo, trong đó có 102 trận đấu của ghe Ngo nam và 13 trận đấu của các đội ghe Ngo nữ, cạnh tranh quyết liệt từ vòng loại, vòng tứ kết, bán kết đến chung kết xếp hạng.
Kết quả, ở nội dung đua ghe Ngo nam, cự ly 1.200 m, đội ghe chùa Wáth Pích (thị xã Vĩnh Châu), tỉnh Sóc Trăng đã xuất sắc giành chức vô địch ghe Ngo nam. Nội dung đua ghe Ngo nữ, cự ly 1.000 m, đội ghe chùa Prêk Chêk, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng giành chức vô địch.
Từ năm 2013, đua ghe Ngo ở Sóc Trăng đã được nâng tầm thành Festival Đua ghe Ngo nhằm tôn vinh nét độc đáo của hội đua ghe Ngo của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer khu vực ĐBSCL nói chung. Đua ghe Ngo thể hiện sự gắn bó cộng đồng và tinh thần đoàn kết, thủy chung của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong khu vực ĐBSCL./.