Du lịch

Hành hương về miền đất Phật

Bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch hàng năm, lễ hội xuân Yên Tử (thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) thu hút hàng vạn người dân hành hương về miền đất Phật.
Hội xuân Yên Tử

Từ xưa, dân gian đã có câu: “Trăm năm tích đức, tu hành / Chưa đi Yên Tử, chưa thành quả tu”. Yên Tử là một thắng cảnh nổi tiếng với nhiều chùa, am, tháp nằm ẩn mình trong rừng cây cổ thụ lâu đời gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308), người sáng lập và phát triển Thiền phái Trúc Lâm của Việt Nam. Đầu năm đi lễ chùa ở Yên Tử vừa là dịp để các tăng ni, phật tử thập phương hành hương về cõi Phật, cầu mong một năm mới bình an, vừa là dịp tỏ lòng biết ơn Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Lễ khai hội Xuân Yên Tử năm nay được tổ chức tại chùa Trình. Phần lễ có nghi thức rước lễ long trọng với sự tham gia của hơn 100 phật tử, lễ cầu nguyện quốc thái dân an, nghi thức khai ấn cầu may đầu tiên của năm mới. Phần hội là màn biểu diễn nghệ thuật với màn trống hội hoành tráng, đội múa rồng, lân sôi nổi, hát múa vui hội đầu xuân.



Lễ khai hội xuân Yên Tử năm 2017 tại chùa Trình (Thành phố Uông Bí, Quảng Ninh).


Thượng toạ Thích Thanh Quyết thỉnh chuông khai hội xuân Yên Tử 2017.


Lễ cầu quốc thái dân an, cầu chúc phúc cho năm mới nhà nhà, người người bình an trong ngày khai hội.


Màn biểu diễn tái hiện thành lập dòng Phật giáo đặc trưng Việt Nam: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.


Màn biểu diễn lân sư rồng trong ngày khai hội xuân Yên Tử.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì việc tổ chức khai hội Yên Tử đầu năm là dịp để tăng ni, Phật tử ở mọi miền của đất nước tập trung về cội nguồn, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam với công ơn của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Trao đổi với chúng tôi tại lễ khai hội Xuân Yên tử, Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Tỉnh Quảng Ninh và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến hoàn tất hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm là giá trị di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại và từng bước công nhận Phật hoàng là danh nhân văn hóa của thế giới.

Về miền đất Phật

Chuyến hành hương về miền đất Phật của chúng tôi bắt đầu từ chùa Giải Oan lên đến chùa Hoa Yên, dừng chân chiêm bái trước tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ở núi An Kỳ Sinh và kết thúc ở chùa Đồng.

Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật) tọa lạc ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068m), quanh năm mây phủ, tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh. Năm 2006 chùa được tạo dựng lại trên nền của chùa Đồng cũ. Toàn bộ ngôi chùa được đúc bằng đồng nguyên chất, dài 1,4m, đáy rộng 1,1m và cao hơn 1,35m. Trọng lượng toàn bộ công trình khoảng 70 tấn. Năm 2012, trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận chùa Đồng là ngôi chùa bằng đồng lớn nhất và nằm ở độ cao nhất cả nước. Đây cũng là ngôi chùa được xếp vào hàng độc đáo nhất trên thế giới, được ví như một “kỳ quan mới” tại khu danh thắng Yên Tử.



Pho tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông toạ lạc trên đỉnh núi An Kỳ Sinh.


Du khách lên chùa Đồng tọa lạc ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068m) thắp hương
cầu một năm mới bình an và may mắn.


Đông đảo du khách thập phương du xuân Yên Tử.


Chặng đường từ An Kỳ Sinh lên tới chùa Đồng được xem là chặng đường đi bộ khó khăn nhất trong quãng đường hành hương.


Du khách thập phương chiêm ngưỡng vẻ đẹp tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong màn sương.


Người dân đi lễ đầu năm ở Yên Tử khi trời vẫn còn tối mờ sương.


Theo Ban tổ chức lễ hội, lượng du khách đến Yên Tử ngay từ những ngày đầu hội đã tăng đến hơn 50.000 lượt khách.

Năm nay, bên cạnh hành trình lên đỉnh chùa Đồng, một trong những điểm du lịch tâm linh thuộc quần thể danh thắng Yên Tử thu hút du khách thập phương tới lễ bái là chùa Ngọa Vân. Chùa Ngọa Vân nằm ở Khu di tích lịch sử nhà Trần thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Ngọa Vân là quần thể kiến trúc lớn với nhiều chùa, tháp, trong đó am Ngọa Vân là nơi thờ Đệ nhất tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngọa Vân chính là điểm kết thúc trọn vẹn quá trình tu hành, thành Phật của Phật hoàng. Chính vì vậy Ngọa Vân được coi là Thánh địa của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Phật giáo Việt Nam nói chung.  

Về Yên Tử không chỉ là chuyến hành trình về với núi rừng điệp trùng, muôn dải của vùng Đông-bắc đất nước, mà còn là chuyến hành hương về miền “đất phúc”, “linh địa”, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, được người xưa tôn kính ghi vào điển thờ. Qua mỗi bậc đá lên non thiêng Yên Tử chúng tôi như có thêm sự bình an, thanh thản, trở về bản tâm chân thật của chính mình./.

 
Bài: Ngân Hà- Ảnh: Khánh Long

Cung Thiếu nhi hiện đại bậc nhất Thủ đô

Cung Thiếu nhi hiện đại bậc nhất Thủ đô

Sau gần 3 năm thi công (từ năm 2021 đến năm 2024), Cung Thiếu nhi Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là một trong những công trình văn hóa giáo dục lớn nhất góp phần mang đến không gian phát triển toàn diện cho thiếu nhi Thủ đô. 

Top