Nghề Việt

Giò chả Ước Lễ

Làng giò chả Ước Lễ huyện Thanh Oai, Hà Nội đã có lịch sử gần 500 năm. Đặc biệt hơn từ cái nôi làng nghề, người dân trong làng đã tạo dựng nhiều thương hiệu giò chả Ước Lễ có mặt khắp mọi miền đất nước.

Theo Sử sách ghi lại, nghề làm giò chả Ước Lễ có từ thời nhà Mạc (1527-1592). Một cung tần trong triều đình là người làng Ước Lễ đã về quê xây cổng làng và dạy cho dân nghề làm giò chả. Cho đến nay, cổng làng Ước Lễ vẫn tồn tại như một minh chứng về thời gian và dấu ấn của làng nghề qua thăng trầm thời gian.

Hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch, Ước Lễ tổ chức ngày hội làng, người dân làng từ khắp nơi trong và ngoài nước lại tụ họp về quê tham gia hội làng, tôn vinh nghề truyền thống của tổ tiên. Các thanh niên mổ lợn giã giò suốt đêm, bà con quây quần ngồi gói giò, làm chả tại sân đình. Những miếng chả thơm hương quế, những cây giò luộc còn nóng hổi là những đặc sản để người dân dâng lên cúng Thành Hoàng làng.

  Gia đình ông Hoàng Bá Hợp vẫn giữ được cách giã giò bằng phương pháp truyền thống.  
  Giò sau khi được giã nhuyễn sẽ được gói vào lá chuối trước khi đem đi luộc.  
  Sản phẩm giò chả được người dân Ước Lễ thành kính dâng lên tổ tiên vào những ngày lễ, Tết.  
Từ gốc rễ là giò lụa và chả quế, người dân Ước lễ đã sáng tạo ra nhiều loại giò, chả khác nhau với những hương vị quê nhà như: giò bò, giò xào, giò bì, rồi chả quế, chả rán, nem chua…ăn kèm với bánh chưng, bánh giầy. Loại giò chả nào cũng ngon, cũng được thị trường Việt Nam ưa chuộng, nhiều du khách quốc tế đến du lịch Việt Nam cũng yêu thích món này và tìm để thưởng thức.

Ông Hoàng Bá Hợp người làng Ước Lễ chia sẻ, gia đình ông thường dậy từ 3h sáng để giã giò, làm chả, đem bán ở chợ vào sáng sớm. Sau khi con và cháu ông tiếp quản nghề truyền thống này cũng đã đầu tư thêm nhiều máy xay giò chả rồi mở xưởng. Những ngày áp Tết, gia đình ông làm hàng tạ giò, chả cung cấp cho thị trường.

Dù có máy móc hỗ trợ khâu làm giò, chả nhưng người dân Ước Lễ vẫn giữ công thức, bí quyết gia truyền của làng nghề nên hương vị của giò chả Ước Lễ chỉ người làng mới làm ra được, không lẫn vào đâu được so với các sản phẩm giò chả khác.

Hiện nay, nghề làm giò chả Ước Lễ rất phát triển, đặc biệt người dân làng Ước Lễ với bí quyết riêng đã phát triển thương hiệu gắn với truyền thống gia đình và cứ thế họ mở cửa hàng bán giò chả khắp Hà Nội và các tỉnh thành của Việt Nam. Điển hình như giò chả Ước lễ Xuân Hương, giò chả Ước lễ Phúc Lộc Thọ… đều là những thương hiệu của những người làng Ước Lễ tạo dựng.

  Giò chả Ước Lễ thơm ngon, hấp dẫn thực khách.  
  Giò chả Ước Lễ được đóng gói để thuận tiện cho việc chuyển đi xa mà vẫn giữ được hương vị truyền thống.  
Khách hàng tín nhiệm lựa chọn mặt hàng giò chả Ước Lễ của cơ sở Xuân Hương.
Chị Hoàng Thị Oanh, Giám đốc của giò chả Ước lễ Xuân Hương cho biết, gia đình chị có 3 thế hệ làm nghề giò chả, từ một cơ sở sản xuất nhỏ quy mô gia đình chị Oanh đã phát triển thêm 2 xưởng giò chả quy mô lớn tại Hà Nội rồi thành lập Hợp tác xã (HTX) Giò chả Ước Lễ Xuân Hương, mỗi ngày cung ứng ra thị trường hơn 30 loại sản phẩm giò chả khác nhau. Hiện nay, giò chả Xuân Hương đã có mặt khắp các siêu thị, các chợ truyền thống và nhiều cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.

Trong mâm cỗ của người Việt Nam, nhất là dịp lễ, Tết không thể thiếu món giò chả. Người dân làng Ước Lễ tự hào vì đã sống được với nghề, gây dựng được nhiều thương hiệu giò chả Ước Lễ góp phần tạo nên bản sắc văn hóa và hương vị truyền thống của ẩm thực Việt Nam./.

Bài: Bích Vân, ảnh: Thanh Giang

Rau má Quảng Thọ - Điểm nhấn của nông nghiệp Quảng Điền

Rau má Quảng Thọ - Điểm nhấn của nông nghiệp Quảng Điền

Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên hữu tình mà còn được biết đến rộng rãi với một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng: rau má. Nhờ sự nỗ lực không ngừng của Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ 2, cây rau má đã trở thành “đặc sản” địa phương, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần nâng cao đời sống người dân.

Top