Bạn bè với Việt Nam

Dự án Xanh: kết nối sáng tạo của các nghệ sĩ xuyên biên giới

Tháng thực hành Nghệ thuật 2020 (MAP 2020) năm nay đã gây ấn tượng với công chúng bởi tên gọi “Dự án Xanh”, nơi đã kết nối 4 nghệ sĩ quốc tế từ Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đức và 4 nghệ sĩ Việt Nam, cùng sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng mang thông điệp “Gợi nhớ đi tìm Màu xanh ở Hà Nội”. Đặc biệt, các tác phẩm của họ ra đời trong thời điểm dịch bệnh Covid 19 lan rộng trên thế giới, tuy nhiên không vì thế các sáng tạo nghệ thuật dừng lại mà nó lại có sức sống mãnh liệt hơn bao giờ hết.
MAP 2020 được triển khai trong bối cảnh đầy thách thức của dịch bệnh Covid trên toàn cầu khiến nhiều nghệ sĩ quốc tế đã không đến được Việt Nam như kế hoạch từ trước. “Dự án Xanh” mở ra những thử thách để các nghệ sĩ nỗ lực sáng tác và kết nối nhau bằng hình thức trực tuyến và hướng về Việt Nam.

Katja Jug (Thụy Sỹ) với tác phẩm “Trời Hà Nội mãi chẳng xanh’’ thông qua “Bài tập về ô” và một sắp đặt Vải. Anh đã thu thập những chiếc ô đã qua sử dụng ở Hà Nội, 10 bài tập được thực hiện với 40 người dân Thủ đô tại công viên Thống Nhất. Anh đã gửi phần vải của những chiếc ô tới Thụy Sỹ, thiết kế và may thành những chiếc túi thường ngày thân thiện với môi trường. Từ đây, anh kể lại chuyện chiếc túi làm từ ô như một thông điệp tìm kiếm màu xanh Hà Nội, khiến người xem gợi nhớ đến bài hát của Yoko Ono “ Bầu trời Hiroshima mãi xanh”.

Trag Lem (Stuttgart, Đức) với thể loại sắp đặt chất liệu ống kính, ống nhòm khúc xạ lại muốn trình bày một bản khảo sát có tính dang dở mà trong đó cô đã từng ghi chép, đối thoại với bối cảnh địa phương cô quan tâm.


“Làm xanh Sông Hồng” , chủ đề sáng tác của nghệ sĩ La Mai (Việt Nam) mở ra câu chuyện về “Dự án Xanh” năm 2020.
Ảnh: Công Đạt


Nghệ sĩ La Mai tái hiện tác phẩm “Làm xanh Sông Hồng” trên bản đồ. Ảnh: Công Đạt


Hộp mica và lọ thí nghiệm đựng nước sông Hồng được sắp đặt trong tác phẩm “Làm xanh sông Hồng”
của nghệ sĩ La Mai trong tour khám phá “Triển lãm xanh”. Ảnh: Công Đạt


Khách tham quan tác phẩm “Làm xanh sông Hồng”. Ảnh: Công Đạt


Nghệ thuật thả diều làng Thanh Oai, Hà Nội  trở thành một chủ đề được tái hiện trong tác phẩm của nghệ sĩ Miho Shimizu (Nhật Bản). Ảnh: Công Đạt


Công chúng Việt Nam chiêm ngưỡng tác phẩm “Diều” của nghệ sĩ Miho Shimizu (Nhật Bản), nơi
hai con diều Việt-Nhật được sắp đặt như 2 con mắt biểu tượng của Tokyo và Hà Nội. Ảnh: Công Đạt


Katja Jug (Thụy Sỹ) với tác phẩm “Trời Hà Nội mãi chẳng xanh”, sắp đặt 40 người dân Hà Nội tại công viên Thống Nhất trong bài tập về chiếc ô. Ảnh: Công Đạt


Những mảnh vải thừa từ những chiếc ô được nghệ sĩ  Katja Jug thiết kế, may thành những chiếc túi vải thân thiện với môi trường. Ảnh: Công Đạt


Du khách trải nghiệm tác phẩm video “Hóa trời xanh” của tác giả Mai Huyền Chi. Ảnh: Công Đạt


Nghệ sĩ Mai Huyền Chi xem lại video “Hóa trời xanh” mà chị vừa quay tại thực tế về. Ảnh: Tư liệu

Masahiro Wada (Nhật Bản) lại mang đến một sắp đặt video “Vô đề” để chiêm nghiệm về lao động và đời sống ở Nhật Bản và Việt Nam. Tác giả phỏng vấn 7 người đã, đang học tiếng Nhật tại Hà Nội hoặc sẽ đến làm việc tại Nhật, hỏi họ về cuộc sống, về Hà Nội, nhân vật chia sẻ hình ảnh đời thường ở Hà Nội và Nhật rồi từ đó nghệ sĩ kết hợp chúng với những hình ảnh phỏng vấn tương phản với phông nền tạo thành câu chuyện rất thú vị.

Miho Shimizu (Nhật Bản) thể hiện tình yêu với Việt Nam về văn hóa diều truyền thống. Cô mong muốn được trải nghiệm thả diều ở Việt Nam để sáng tác chủ đề này nhưng vì đại dịch, cô đã không sang được Việt Nam như dự tính. Với sự hỗ trợ của nhóm nghệ sĩ MAP 2020, cô đã giao tiếp trực tuyến với các nghệ nhân diều, xem nghệ nhân làm diều qua video, từ đó Miho Shimizu sáng tạo tác phẩm hai con diều Việt-Nhật, như 2 con mắt của Tokyo và Hà Nội.


8 nghệ sỹ đến từ các nước gồm: Katja Jug (Thụy Sỹ), Masahiro Wada, Miho Shimizu (Nhật Bản), Trag Lem (Đức ), Phan Anh, Mai Huyền Chi, Nguyễn Phương Linh, La Mai (Việt Nam) đã mang đến nhiều tác phẩm thuộc nhiều loại hình nghệ thuật: sắp đặt, ý niệm, trình diễn, video, nghiên cứu, thủ công… cùng hội tụ trưng bày triển lãm tại Việt Nam.
Khác với các nghệ sĩ quốc tế, những nghệ sĩ Việt Nam lại có cái nhìn cụ thể về màu xanh Hà Nội nơi mình đang sống. La Mai với tác phẩm “Làm xanh Sông Hồng” tái hiện trên chất liệu: Bản đồ, hộp mica, nước sông Hồng, lọ thí nghiệm. Màu hồng vốn là màu trù phú đặc trưng của Văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng, giờ được tác giả tái hiện thành màu xanh. Sự hiện diện của màu xanh trên sông Hồng như một ẩn dụ về các can thiệp độc đoán thô bạo đi từ phía ngoài thâm nhập đến văn hóa nội tại nơi đây.

Nghệ sĩ Mai Huyền Chi với tác phẩm “Hóa trời xanh”, một video sắp đặt trên nền chất liệu của quan sát cá nhân và chiêm nghiệm về sự thương mại hóa thiên nhiên (cụ thể là bầu trời). Qua đó là hành trình suy ngẫm của tác giả chúng ta đang làm gì với thiện nhiên để bầu trời không còn xanh và hoàn hảo nữa…

Phan Anh lại trưng bày tác phẩm “Video Art - Nhật ký 101”, nơi cô thể hiện diễn biến tâm lý của nghệ sỹ đặt trong bối cảnh xã hội nhiều xáo trộn và muốn vùng vẫy để xoay chuyển đời sống. Phương Linh lại trăn trở với ba chữ “Tả Thanh Thiên- Viết lên trời xanh” khắc trên Tháp Bút của Đền Ngọc Sơn trong tác phẩm “ Nhắn những mảnh trời vụn”.

Mỗi tác giả một góc nhìn nhưng họ đã có những đóng góp mới cho đời sống nghệ thuật Việt Nam thời Covid.  Dự án Xanh -MAP 2020 đã kiến tạo các cơ hội tương tác và tiếp xúc giữa nghệ sỹ và công chúng, xóa bỏ khoảng cách của nghệ thuật với cộng đồng xã hội. Đúng như chia sẻ của nghệ sĩ Miho Shimizu (Nhật Bản): Chưa bao giờ tôi thấy tình người trong nghệ thuật lại ấm áp như những năm tháng của 2020, tôi đã gần hơn các bạn Việt Nam qua những tác phẩm và các bạn đã kết nối cho tôi được trải nghiệm nhiều hơn nền văn hóa của Việt Nam một cách chân thực nhất./.

 
Bài: Bích Vân - Ảnh: Công Đạt


Top