Văn hóa

Bệnh viện Việt Đức - Thương hiệu thế kỷ

Đi qua hơn một thế kỷ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có bề dày lịch sử gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nền y học hiện đại Việt Nam. Là một trung tâm y tế hàng đầu về công tác khám chữa bệnh kết hợp với nghiên cứu khoa học y học và đạo tạo, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hiện nay càng là niềm tự hào của ngành y tế Việt Nam khi các kỹ thuật hiện đại nhất trên thế giới đều đang được triển khai tại bệnh viện.
Từ mảnh đất lịch sử của nền y học Việt Nam…

Năm 1902, Trường Y khoa Đông Dương, tiền thân của Trường Đại học Y Hà Nội được thành lập theo Nghị định của Toàn quyên Đông Dương, trong cơ cấu thành lập có bệnh viện thực hành. Đó là lý do bệnh viện Bản Xứ, tiền thân của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được thành lập vào năm 1904.

GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong cuộc trò chuyện với chúng tôi đã chia sẻ những dấu mốc lược sử gắn với sự tồn tại và phát triển hơn một thế kỷ của bệnh viện.

Theo đó, cùng với trường Y khoa Đông Dương, bệnh viện được coi là “mẹ đẻ” của toàn bộ nền y học hiện đại phương Tây tại xứ Đông Dương. Đây là bệnh viện đầu tiên của người Việt. Tất cả các thế hệ bác sỹ đầu tiên của Việt Nam đều ra đời từ bệnh viện thực hành này.



Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có bề dày lịch sử gắn liền với lịch sử hình thành
và phát triển của nền y học hiện đại Việt Nam, là cái nôi của ngành ngoại khoa Việt Nam.


GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.


Phòng truyền thống nơi lưu giữ nhiều kỷ vật gắn liền với lịch sử lâu đời của Bệnh viện Hữu nghị 
Việt Đức.


Bàn làm việc giản dị của PGS.VS Tôn Thất Bách trong không gian của Phòng truyền thống Bệnh viện 
Hữu nghị Việt Đức.


Những kỷ vật gắn bó với những giáo sư đầu ngành ngoại khoa trong Phòng truyền thống của Bệnh viện 
Hữu nghị Việt Đức.


Những dụng cụ ngoại khoa của giai đoạn trước được lưu giữ cẩn thận.


Những bản vẽ tay về ngoại khoa có giá trị lịch sử trong Phòng truyền thống.


Người dân ghé thăm nơi lưu giữ những trang sử vẻ vang của cái nôi ngành ngoại khoa Việt Nam.

Theo GS Trần Bình Giang, dấu mốc đầu tiên phải nhắc đến đó là người thầy nổi tiếng của Việt Nam, bác sỹ Hồ Đắc Di. Ông là người Việt Nam đầu tiên được phép mổ, chữa bệnh cho người Việt. Dấu mốc này đánh dấu sự phát triển các thế hệ y bác sỹ người Việt sau này. Trước đó đều do bác sỹ người Pháp thực hiện. GS Tôn Thất Tùng là thế hệ học trò đầu tiên của bác sỹ Hồ Đắc Di.

Dấu mốc thứ hai, đó là việc cố GS Tôn Thất Tùng tìm ra phương pháp cắt gan mang tên ông. Năm 1939 – 1940, GS Tôn Thất Tùng đã cùng người thầy của mình thực hiện cắt gan theo phương pháp mới này. Bệnh án sau đó đã được mang sang Pháp báo cáo tại Hội đồng Hàn lâm khoa học Pháp. Từ đây đã sinh ra trường phái Tôn Thất Tùng tại trường Y khoa Hà Nội. Đây là dấu mốc quan trọng với sự phát triển của nền y học hiện đại sau này của Việt Nam.

Dấu mốc thứ ba, theo GS Trần Bình Giang đó là việc ghép cơ quan. Ngày 26/2/1963, ca ghép tạng đầu tiên được GS Tôn Thất Tùng thực hiện đó là ca ghép đầu chó. Đầu chó con được ghép vào cổ chó lớn. Sau ghép, đầu chó nhỏ vẫn giữ được phản xạ không điều kiện và có điều kiện như thèm ăn, mở mắt, tai ve vẩy,…Trong khi đó, ca ghép thận đầu tiên trên thế giới thực hiện vào năm 1955; ca ghép tim đầu tiên là năm 1967; ca ghép gan là năm 1964. Nhưng sau đó vì lý do chiến tranh, năm 1965, Mỹ ném bom miền Bắc, mọi hoạt động bị gián đoạn. “Việt Nam đã mất cơ hội để đi trước thế giới trong lĩnh vực ghép tạng”, GS Trần Bình Giang nhấn mạnh.

Hiện nay, Bệnh viện 
Hữu nghị Việt Đức là một trong những đơn vị duy nhất trong ngành có Phòng truyền thống nằm trong khuôn viên bệnh viện, ghi lại dấu ấn về sự phát triển của ngành ngoại khoa Việt Nam.

… Đến thương hiệu tự hào của ngành y tế Việt Nam

Việc triển khai kỹ thuật mổ nội soi là dấu mốc quan trọng tiếp theo đánh dấu sự phát triển của nền y học hiện đại. Ca mổ nội soi đầu tiên trên thế giới được thực hiện vào năm 1987. Đầu năm 1990, kỹ thuật này mới được phát triển.

Đến năm 1993, chỉ sau đó 3 năm, Việt Nam đã tiến hành ca mổ nội soi đầu tiên. “Điều đó có nghĩa là, về phẫu thuật nội soi, Việt Nam chỉ đi sau thế giới 2 – 3 năm, sau ca mổ đầu tiên là 5 năm.

Hiện nay, mổ nội soi của Việt Nam không thua bất kỳ trung tâm lớn nào trên thế giới. 95% các bệnh viện từ tuyến huyện đều có thể triển khai mổ nội soi. Đây là thành tích được các đoàn bác sỹ quốc tế khi đến thăm Việt Nam đánh giá là “sự phát triển thần kỳ”.

Dấu mốc quan trọng nữa phải kể đến đó là ghép đa tạng. Trên thế giới, mỗi trung tâm chỉ có thể thực hiện được một kỹ thuật ghép: gan, thận, tim,… Nhưng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong những bệnh viện độc đáo trên thế giới khi có thể ghép được đa tạng, với nhiều ca ghép tạng nổi tiếng trong và ngoài nước.



Một trong những phòng mổ hiện đại ngang tầm các nước phát triển của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.


GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
đang thực hiện ca mổ nội soi với các thiết bị y tế hiện đại.


Những vật tư hiện đại được dùng trong các ca mổ nội soi.


Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hiện trang bị những máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ trong công tác khám chữa bệnh.


Các kỹ thuật viên đang vận hành hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính 512 lát, cộng hưởng từ 3.0 và máy chụp mạch số hoá xoá nền.


Hệ thống máy móc hiện đại với đột phá trong công nghệ y học, giúp việc chẩn đoán các bệnh lý về các chuyên khoa:
tim mạch, lồng ngực, thần kinh, cơ xương khớp ổ bụng… trở nên nhanh chóng, chính xác.

Song song với những dấu mốc về sự phát triển của khoa học kỹ thuật, là những dấu mốc về sự phát triển nhân lực. Bệnh viện được coi là “mẹ đẻ” của toàn bộ nền y học hiện đại Việt Nam. Các bệnh viện lớn của miền Bắc hiện nay đều được tách ra từ các khoa phòng của bệnh viện Việt Đức, cụ thể: Bệnh viện Bạch Mai tách ra từ Khoa lây năm 1911; Bệnh viện Mắt Trung ương từ khoa mắt năm 1937; Bệnh viện K từ khoa ung thư năm 1967;…

Đặc biệt, trong hơn 10 năm trở lại đây, bệnh viện còn tiến hành đào tạo cho các y bác sỹ quốc tế đến từ các nước: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia,…

Trải qua hơn một thế kỷ tồn tại và phát triển, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vẫn luôn được coi là đơn vị ngoại khoa đầu ngành, là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt đầu tiên và duy nhất của Việt Nam.

“Trong các cuộc giao ban của bệnh viện, tôi vẫn thường nói với các cán bộ trẻ rằng: Các em hãy tưởng tượng mình đang ngồi ở nơi mà hơn trăm năm trước đây đã có các bậc thầy lớn của ngành y ngồi. Các em đang được ngồi trên mảnh đất lịch sử không chỉ của bệnh viện mà của toàn bộ nền y học Việt Nam”, GS Trần Bình Giang chia sẻ về cách mà giá trị truyền thống được thấm nhuần trong các cán bộ của bệnh viện.

Theo GS Trần Bình Giang, với người tri thức, thu nhập cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng việc họ được tôn trọng, trân trọng và được phát huy tài năng. “Việt Đức làm được điều này cho họ”, Giám đốc Bệnh viện khẳng định. Đây cũng là yếu tố tinh thần quan trọng giúp bệnh viện duy trì bề dày truyền thống cả về chuyên môn và đạo đức trong suốt hơn một thế kỷ.

“Khi tôi là một bác sỹ nội trú được nhận về làm việc tại bệnh viện, ngày đầu tiên bước chân vào bệnh viện, tôi thấy như mình được bước vào ngôi thánh đường, được làm việc với chính những người thầy là thần tượng từ thời còn là sinh viên. Sự thiêng liêng và tự hào đó tôi muốn được 'truyền thừa' từ đời này qua đời khác”, GS Trần Bình Giang đã kết câu chuyện với chúng tôi như thế./.
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Việt Cường

Dấu ấn Triển lãm Quốc tế quốc phòng Việt Nam 2024

Dấu ấn Triển lãm Quốc tế quốc phòng Việt Nam 2024

Nhằm tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đồng thời chia sẻ chính sách, chủ trương xây dựng quân đội và phát triển nền công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam và các nước, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 từ ngày 19-22/12/2024 tại Sân bay Gia Lâm (đường Nguyễn Sơn, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội).

Top