Tiềm năng địa phương

Bạn của nhà chăn nuôi

Quỹ Khuyến nông Hà Nội (QKNHN) được thành lập vào năm 2002 với số vốn ban đầu chỉ có 5 tỷ đồng. Sau 10 năm hoạt động, số vốn này đã tăng lên tới gần 100 tỷ đồng và trở thành kênh tài chính phi lợi nhuận quan trọng giúp nông dân Thủ đô mở rộng và phát triển chăn nuôi.
Minh chứng cho những thành quả của QKNHN (thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) là sự đổi thay lớn về cơ cấu nông nghiệp ở các huyện ngoại thành Hà Nội. Đơn cử như huyện Ba Vì, 10 năm trước, bà con nông dân vẫn loay hoay với nguồn vốn đầu tư chăn nuôi. Lãnh đạo huyện, thành phố và bà con nông dân thấy rõ lợi nhuận của việc chăn nuôi bò sữa vì hợp thổ nhưỡng, thời tiết nhưng hiềm một nỗi là thiếu vốn. Ông Nguyễn Quốc Huy ở xã Yên Bài kể lại rằng: “Mấy năm trước đây, sau nhiều trăn trở, dân Ba Vì chúng tôi đã tìm được hướng làm ăn, đó là nuôi bò sữa và trồng cỏ voi. Thế nhưng không tìm đâu ra nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi, sản xuất. May nhờ có Quỹ Khuyến nông Hà Nội giúp đỡ nên chúng tôi mới có nguồn vốn đề làm ăn phát triển như bây giờ”.
 




Nhờ chăn nuôi bò sữa bằng nguồn vốn hỗ trợ của QKNHN,
nhiều hộ nông dân ở các huyện ngoại thành Hà Nội đã có thể vươn lên làm giàu. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ)

Được biết, năm 2009, QKNHN đã phối hợp với Công ty sữa Ba Vì cho 123 hộ gia đình ở các xã Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa của huyện Ba Vì vay tổng cộng trên 10 tỷ đồng làm vốn đầu tư trồng cỏ và mua bò giống để chăn nuôi. QKNHN còn tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi bò và cách lấy sữa đảm bảo chất lượng. Nhắc lại chuyện cũ, có người ví việc QKNHN đem vốn về giúp dân huyện Ba Vì thời ấy như “đem mưa về miền đất hạn”.

Sự đầu tư của QKNHN đã làm đổi thay diện mạo cả một vùng đồi núi hoang sơ ở Ba Vì. Hôm nay, đi khắp các ngõ xóm, thấy nhà nào cũng xây dựng chuồng trại nuôi bò đại đàn; đồi, núi phủ một màu xanh ngắt cỏ voi. Vắt xong hơn 400 lít sữa của đàn bò 15 con, ông Nguyễn Quốc Huy hồ hởi khoe: “Với số sữa ổn định như thế này, mỗi ngày đàn bò nhà tôi mang lại thu nhập hơn 8 triệu đồng. Từ chỗ chỉ có 2 con bò, vợ chồng tôi đã mạnh dạn vay vốn của QKNHN để phát triển thành đàn bò 15 con như bây giờ”.

Nguồn vốn của QKNHN không chỉ phát huy hiệu quả ở huyện Ba Vì mà còn vươn tới khắp 29 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Điển hình như trường hợp hộ gia đình ông Nguyễn Đình Viện ở huyện Thường Tín, nhờ vay vốn phát triển chăn nuôi của QKNHN mà trở thành tỷ phú. Ông Viện cho biết: “Trước đây, việc chăn nuôi của gia đình tôi gặp vô vàn khó khăn nên thu nhập chẳng đáng là bao. Năm 2010, QKNHN đã tạo điều kiện cho gia đình tôi vay 300 triệu đồng, lãi suất 0,5%, kỳ hạn 2 năm. Nhờ đó, gia đình tôi đã quyết định thuê đất xây chuồng trại nuôi lợn”. Từ hai bàn tay trắng, giờ ông Nguyễn Đình Viện đã có trong tay 500 con lợn thịt và 200 con lợn nái. Trừ mọi chi phí, một năm gia đình ông bỏ túi trên dưới 800 triệu đồng. Trang trại nhà ông Viện còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Ngoài ra, trang trại nhà ông còn là nơi tham quan học hỏi cách làm giàu của người dân đến từ nhiều địa phương khác.

Ở huyện Đan Phượng cũng nổi lên nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm đại đàn. Đơn cử như trang trại chăn nuôi gà của anh Hoàng Văn Mạnh ở xã Phương Đình có quy mô 9.000 con. Anh Mạnh cho biết: “Hiện gia đình tôi chăn nuôi với mô hình khép kín từ gà đẻ trứng, ấp trứng tới gà thương phẩm, tính sơ cũng thu về trên 300 triệu đồng/năm. Việc cho người dân vay vốn QKNHN là chủ trương đúng đắn của Thành phố Hà Nội, giúp nông dân chúng tôi mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, làm giàu ngay trên quê hương mình”.


Từ sự hỗ trợ của Quỹ khuyến nông, Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trang trại lớn chăn nuôi lợn.
(Ảnh: Trịnh Văn Bộ)


Nông dân huyện Thường Tín đầu tư máy tạo oxi để nuôi tôm thương phẩm. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ)

Mô hình nuôi công, trĩ ở huyện Thanh trì. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ)

Một mô hình chăn nuôi gia cầm đại đàn bằng nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ khuyến nông. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ)

Nguồn vốn của QKNHN đã giúp người nông dân phát triển nghề chăn nuôi gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao.
(Ảnh: Tuấn Kiệt)

Phân loại sản phẩm trứng gà trước khi xuất ra thị trường. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ)

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của QKNHN, ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khẳng định: “Tính đến nay, ngành chăn nuôi có 951 phương án/2060 phương án vay vốn được giải ngân, chiếm 46% nguồn vốn của QKNHN. Về mặt kinh tế, nguồn vốn của quỹ đã góp phần tăng giá trị sản phẩm của các phương án vay vốn từ 10 - 30%. 10 năm qua, quỹ đã góp phần tạo ra hơn 700 tỷ đồng giá trị sản phẩm hàng hóa chất lượng cao”.

Những con số trên tuy chưa phải là lớn nhưng nó lại rất có ý nghĩa trong chặng đường phát triển 10 qua của QKNHN. Với những thành tích đáng khích lệ trên, hi vọng QKNHN sẽ tiếp tục là người bạn đồng hành đáng tin cậy của người chăn nuôi Thủ đô trên những chặng đường phát triển sắp tới./.
Bài: Thông thiện - Ảnh: Trịnh Văn Bộ, Tuấn Kiệt

Bài: Thông thiện - Ảnh: Trịnh Văn Bộ, Tuấn Kiệt

Quảng Ngãi nỗ lực chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Quảng Ngãi nỗ lực chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Xác định nông nghiệp là thế mạnh của nền kinh tế, Quảng Ngãi nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chuyển đổi số nông nghiệp và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ ở các lĩnh vực như trồng trọt, thủy sản, chăn nuôi, lâm nghiệp…

Top