ASEAN cùng ứng phó các thách thức chung

Asean

ASEAN cùng ứng phó các thách thức chung

Từ ngày 2-5/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các hội nghị liên quan đã diễn ra tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, gồm hơn 20 hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Với tinh thần “ASEAN hành động: Cùng ứng phó các thách thức chung”, các nước cam kết nỗ lực triển khai các Kế hoạch xây dựng Cộng đồng, xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025.


Từ ngày 2-5/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các hội nghị liên quan đã diễn ra tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia, gồm hơn 20 hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN+1, ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Với tinh thần “ASEAN hành động: Cùng ứng phó các thách thức chung”, các nước cam kết nỗ lực triển khai các Kế hoạch xây dựng Cộng đồng, xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025.

Theo đó, các nước thảo luận về kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác hàng hải, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng. Cùng với các nỗ lực phục hồi, các bộ trưởng nhấn mạnh cần hợp tác nghiên cứu, sản xuất vaccine, củng cố hệ thống y tế tại các nước trong khu vực. Các nước nhất trí ASEAN cần phát huy trách nhiệm, duy trì đoàn kết, hành động thống nhất và phản ứng linh hoạt trong mọi tình huống.

Những thách thức ASEAN đang phải đối mặt. 

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự các Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ nhận định về duy trì đoàn kết và cân bằng của ASEAN, nhất là vai trò “trung gian thực tâm”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khuyến khích các nước kiên trì lập trường chung về vấn đề Biển Đông, phấn đấu duy trì môi trường thuận lợi cho Bộ quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu lực và hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Bộ trưởng cũng tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề quốc tế cũng như khu vực như xung đột tại Ukraine, cạnh tranh nước lớn và tình hình Myanmar.

Trong khuôn khổ Hội nghị AMM-55 và các hội nghị liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 và ASEAN+3; Cấp cao Đông Á (EAS); Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF); Hội nghị Ủy ban Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân; Đối thoại các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR); đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hàn Quốc; cùng bộ trưởng các nước ASEAN chào xã giao Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen; họp với Mỹ, Ấn Độ, Australia, Canada, New Zealand, Liên minh châu Âu (EU) và Liên bang Nga.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 và các hội nghị liên quan. Ảnh: TTXVN

Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ra Tuyên bố về những diễn biến tại Eo biển Đài Loan, bày tỏ quan ngại về nguy cơ bất ổn, hệ quả nghiêm trọng và khó lường đối với khu vực. Tuyên bố kêu gọi kiềm chế tối đa, tuân thủ các nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc và TAC. Các nước ASEAN tái khẳng định ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc"; đề cao tầm quan trọng của hợp tác, cùng tồn tại hoà bình và cạnh tranh lành mạnh vì mục tiêu hoà bình, an ninh, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững.

Trên tinh thần đối thoại thẳng thắn và thực chất, các nước đã dành nhiều thời gian trao đổi nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Chia sẻ quan ngại chung, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đặc biệt đề cao tầm quan trọng của đối thoại, hợp tác thiện chí và đóng góp trách nhiệm vì mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển.


Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Canada, Vương quốc Anh, Bangladesh, Pakistan, Timor Leste và Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh.

*Tại Hội nghị Ủy ban Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) các nước cam kết thực thi Hiệp ước SEANWFZ, nhất trí gia hạn Kế hoạch hành động thực thi SEANWFZ cho giai đoạn 2022 - 2026. Các nước cũng nhất trí sẽ đẩy mạnh tham vấn với các nước sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm ký kết Nghị định thư SEANWFZ.

*Tại đối thoại giữa Bộ trưởng Ngoại giao với Đại diện Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR), các Bộ trưởng hoan nghênh AICHR trong triển khai Kế hoạch hành động 2021-2025; khuyến khích AICHR tiếp tục đối thoại, lồng ghép quyền con người, nhất là các nhóm dễ tổn thương trong các trụ cột Cộng đồng.

Trước những diễn biến vừa qua trong khu vực, Bộ trưởng nhắc lại lập trường của ASEAN và Việt Nam, kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp tình hình, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Bộ trưởng cũng cho biết ASEAN sẽ duy trì can dự với Myanmar, thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm của Lãnh đạo ASEAN vì lợi ích của người dân Myanmar và vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực.

Cũng tại sự kiện này, Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã chứng kiến lễ ký kết văn kiện mở rộng TAC cho Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Oman, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Qatar./.


Thực hiện: VNP/TTXVN

 

Vì một ASEAN hòa bình,  an ninh và tự cường

Vì một ASEAN hòa bình, an ninh và tự cường

Mới đây, Tuyên bố chung Vientiane của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN: Cùng nhau vì hòa bình, an ninh và tự cường đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ 18, nhằm ứng phó linh hoạt và chủ động với những thách thức an ninh, hợp tác xây dựng lòng tin với các đối tác.

Top