Tin tức

30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Hình mẫu hội nhập và động lực đổi mới

Cam kết nhất quán của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương, thị trường mở và hòa bình khu vực đã góp phần định hình chương trình nghị sự của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) một cách có ý nghĩa”. Đó là nhận định của học giả kỳ cựu Thái Lan Kavi Chongkittavorn trong cuộc phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Bangkok, nhân kỷ niệm 30 năm Việt Nam trở thành thành viên ASEAN (28/7/1995 – 28/7/2025).
  Học giả Thái Lan Kavi Chongkittavorn. Ảnh: Huy Tiến - PV TTVN tại Thái Lan  

Theo ông Kavi, ngay từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã xác định rõ hai mục tiêu trọng tâm: phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Chính hai mục tiêu kép này đã thúc đẩy quá trình hội nhập mạnh mẽ của Việt Nam với khu vực và quốc tế.

Ba thập kỷ sau, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thành viên chủ động, tích cực và có nhiều sáng kiến được đánh giá cao trong ASEAN. Việt Nam không chỉ tận dụng hiệu quả các khuôn khổ hợp tác kinh tế của ASEAN để cải cách trong nước, mà còn mở rộng không gian phát triển ra khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại và tăng trưởng bền vững.

Ông Kavi cho rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã chứng minh năng lực điều chỉnh chiến lược linh hoạt, thích ứng hiệu quả trước các biến động trong nước và quốc tế. Việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại lớn, trong đó đạt thỏa thuận với Mỹ, là minh chứng rõ ràng cho năng lực địa kinh tế và ngoại giao kinh tế ngày càng trưởng thành.

Học giả Thái Lan khẳng định Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để đảm nhận vai trò dẫn dắt ASEAN ở ba khía cạnh. Thứ nhất, trở thành “lực lượng ổn định” giúp củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng phức tạp. Thứ hai, là hình mẫu chuyển đổi kinh tế - xã hội năng động, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN với 675 triệu dân. Thứ ba, với mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp và sự hiện diện tích cực trong các cơ chế kinh tế khu vực như Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), Việt Nam có thể thúc đẩy hơn nữa tính bao trùm của ASEAN, hướng tới một cộng đồng lấy người dân làm trung tâm và góp phần hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.

Ông Kavi nhấn mạnh, trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tiềm ẩn nhiều bất ổn, ASEAN cần tiếp tục duy trì cân bằng chiến lược với các cường quốc lớn thông qua đối thoại xây dựng. Trong tiến trình này, Việt Nam có thể đóng vai trò “cầu nối”, nhờ quan hệ thực chất và linh hoạt với cả Mỹ và Trung Quốc, trên nền tảng đôi bên cùng có lợi.
Ông kỳ vọng rằng đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu về hội nhập kinh tế và đổi mới sáng tạo trong ASEAN. Với lực lượng lao động trẻ, ngành công nghệ phát triển nhanh và chính sách chuyển đổi số đang được đẩy mạnh, Việt Nam có thể là động lực thúc đẩy các sáng kiến chung của ASEAN trong tăng trưởng bền vững và xây dựng Cộng đồng ASEAN kiên cường, thích ứng và bao trùm theo Tầm nhìn ASEAN 2045.

Học giả Thái Lan kết luận Việt Nam đã khẳng định vai trò là một nền kinh tế thị trường hàng đầu trong khu vực. Nếu giữ vững đà phát triển hiện tại, Việt Nam không chỉ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ mà còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong định hình tương lai của ASEAN./.

        

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN


Top