Tiêu điểm

10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2011 do TTXVN bình chọn

Điểm lại tình hình kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của Việt Nam trong năm 2011, Thông tấn xã Việt Nam đã bình chọn 10 sự kiện nổi bật nhất như sau:
1. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng:
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI diễn ra từ ngày 12 đến 19/1 tại Hà Nội, thông qua các văn kiện có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước, trong đó có Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư của Đảng và Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 175 đồng chí.  

Các đồng chí Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng
đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Ảnh: TTXVN

2. Bầu cử quy mô lớn nhất từ trước đến nay:
Ngày 22/5, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp trong cùng một ngày. Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kì 2011-2016 là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 Cử tri người dân tộc Hà Nhì nô nức đi bầu cử tại Tổ bầu cử số 1, xã Hua Bum, huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: TTXVN

3. Việt Nam và Trung Quốc thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển:
Ngày 11/10, tại Bắc Kinh, Việt Nam và Trung Quốc kí Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, xác định các nguyên tắc định hướng cho việc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính đến lợi ích của các bên liên quan. Trước đó, trong tháng 5 và tháng 6 năm 2011, Trung Quốc có một số hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.

 Ngày 11/10/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào
trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

4. Kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu kinh tế:
Với việc thực hiện các quyết sách của Đảng và Nhà nước - ưu tiên hàng đầu cho kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, Việt Nam kiểm soát lạm phát ở mức 18,12% năm 2011, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm đạt 5,9%. Tại Hội nghị lần thứ ba diễn ra tại Hà Nội từ ngày 6 đến 10/10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI quyết định tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.
 
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2011
ước tính tăng 5,2% so với năm 2010; trong đó nông nghiệp tăng 4,8%, lâm nghiệp tăng 5,7%, thuỷ sản tăng 6,1%.
Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghệ Thủy sản miền Nam (Cần Thơ ). Ảnh: TTXVN

5. Chiến dịch đưa hơn 10.000 lao động từ Libya về nước:
Trước bất ổn chính trị ở Libya, từ 23/2 đến ngày 4/4, Việt Nam đã đưa hơn 10.000 lao động từ Libya về nước an toàn. Phần lớn lao động trở về thông qua cầu hàng không quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân
đón các lao động Libya về nước tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội ). Ảnh: TTXVN

6. Đưa vào hoạt động hầm vượt sông đầu tiên:
Ngày 20/11, hầm Thủ Thiêm - công trình ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và hiện đại nhất Đông Nam Á có chiều dài 1,49km, rộng 33m, cao 9m, với 6 làn xe - và toàn bộ Đại lộ Đông-Tây được chính thức thông xe, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
 
Các phương tiện lưu thông qua hầm Thủ Thiêm. Ảnh: TTXVN

7. Di sản Thành nhà Hồ và Hát xoan được UNESCO tôn vinh:
Ngày 27/6, tại Pari (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận di tích Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là Di sản Văn hóa Thế giới. Tiếp đó, ngày 24/11, tại Bali (Indonesia), UNESCO thông qua quyết định ghi nhận Hát Xoan (Phú Thọ) là Di sản Văn hóa Phi Vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp. Như vậy, đến nay Việt Nam có 16 di sản được UNESCO công nhận, ghi danh.

Cổng phía Nam thành nhà Hồ có cửa giữa cao 8m, rộng 5,8m và hai cửa bên cao 7,8m, rộng 5m. Ảnh : TTXVN 

8. Việt Nam đạt thành tích cao tại SEA Games 26:
Tại SEA Games 26 tổ chức ở Indonesia, đoàn thể thao Việt Nam giành 288 huy chương, trong đó có 96 huy chương vàng, xếp thứ 3 chung cuộc. Tuy nhiên, đội tuyển bóng đá nam U23 Việt Nam không giành được huy chương tại giải đấu này, gây thất vọng lớn cho người hâm mộ.

VĐV bơi lội Hoàng Quý Phước đoạt hai Huy chương Vàng tại SEA Games 26, phá sâu chuẩn B Olympic. Ảnh: TTXVN 

9. Dịch bệnh tay chân miệng lan rộng:
Năm 2011, bệnh tay chân miệng lan rộng tại tất cả 63 tỉnh/thành cả nước với trên 90.000 ca mắc, hơn 150 người tử vong, phần lớn là trẻ em, tăng cao so với năm 2010, ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của người dân và gây lo ngại trong xã hội.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: TTVXVN 

10. Lũ lụt nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long:
Do tác động của biến đổi khí hậu, từ tháng 10 đến đầu tháng 11/2011 tại Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra đợt lũ lớn nhất trong một thập kỉ qua, làm 85 người chết, tổng thiệt hại vật chất lên tới trên 4.000 tỉ đồng.

Cảnh lũ lụt tại tỉnh Long An. Ảnh: TTXVN 


Top