Tin tức

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quốc phòng sửa đổi

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, chiều 22/5, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). 

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan giải trình chỉnh lý dự thảo Luật, đồng thời gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến tham gia của các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý. 

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật đã được chỉnh lý, đồng thời có một số đóng góp cụ thể liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng; về công nghiệp quốc phòng; cơ quan thường trực của Hội đồng quốc phòng và an ninh... 

Tại phiên làm việc chiều 22/5, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là việc kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng quy định tại Điều 16 dự thảo Luật. 

Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) quy định: Kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội. 

Các đại biểu cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp vì đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội và kinh tế-xã hội với quốc phòng; kế thừa Luật Quốc phòng hiện hành, đảm bảo tính thống nhất với các luật có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công,... 

TTXVN/VNP


Top